Hàng quán, dịch vụ mở cửa, khách hàng thưa thớt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong mấy ngày qua, nhiều quán ăn, cà phê trên địa bàn TP. Pleiku bắt đầu mở cửa trở lại phục vụ khách tại chỗ. Tuy lượng khách khá thưa thớt nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Lượng khách giảm mạnh

Trao đổi với P.V, anh Lê Văn Nam-quản lý quán cà phê Ngon Avatar (90 Phan Đình Phùng) cho hay: Lượng khách đến quán giảm 70% so với thời điểm trước đây. Để tiết giảm chi phí hoạt động, quán đã cắt giảm lượng nhân viên phục vụ. Ngay cả nhân viên pha chế cũng giảm chỉ còn 1 người/ca.

Các quán vẫn vắng khách sau 2 ngày được mở cửa trở lại phục vụ tại chỗ. Ảnh: Vũ Thảo
Các quán vẫn vắng khách sau 2 ngày được mở cửa trở lại phục vụ tại chỗ. Ảnh: Vũ Thảo


Tương tự, lượng khách cũng thưa thớt tại nhiều quán ăn trong 2 ngày đầu mở cửa trở lại. Chị Trần Hồng Hạnh-quản lý cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria (01 Phan Bội Châu) chia sẻ: “Doanh thu 2 ngày qua so với thời điểm trước khi có dịch giảm khoảng 35-40%. Để tiết giảm bớt chi phí hoạt động, cửa hàng giảm số lượng nhân viên chỉ còn 10 người, đồng thời cũng giảm luôn số giờ làm của toàn bộ nhân viên”.

Còn anh Nguyễn Thế Dũng-chủ quán cà phê và trà sữa Ocha House (29 Phan Đình Phùng) thì cho hay: Trong 2 ngày qua, doanh thu đạt khoảng 4 triệu đồng/ngày. Trong khi lúc trước, doanh thu đạt khoảng 8 triệu đồng/ngày. Song song với việc mở bán phục vụ tại chỗ, quán còn triển khai dịch vụ ship hàng tận nơi. Hy vọng trong một vài ngày tới, tình hình kinh doanh sẽ khá hơn.

Đảm bảo an toàn phòng dịch

Quản lý cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria cho biết: 100% khách hàng được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn ngay từ lúc bước chân vào bên trong quán. Khi bắt đầu mở cửa trở lại, cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch như: sát khuẩn, đo thân nhiệt, kê bàn giãn cách 2 m, thực hiện đúng cam kết phục vụ không quá 20 người trong cùng một lúc. Bên cạnh đó, cửa hàng còn thực hiện đảm bảo công tác vệ sinh, khử khuẩn khu vực chế biến và khu vực khách ngồi hàng ngày.

Để đảm bảo công tác phòng dịch được hiệu quả khi đưa vào hoạt động lại, quán cà phê Ngon Avatar luôn đảm bảo thực hiện giãn cách bàn với bàn 2 m. Đồng thời, quán cũng đã chủ động đóng luôn tầng trên để giảm 50% ghế ngồi. Ngay trước lối ra vào, quán đặt bảng thông điệp 5K, cồn rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho khách và nhân viên trước khi vào quán.

Theo quan sát của P.V, nhiều cơ sở kinh doanh hàng ăn uống đã thắt chặt hơn trong công tác phòng dịch bằng cách tăng cường nhân viên đứng ở cửa ra vào để đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, hướng dẫn khách quét mã QR Code được dán trên mỗi bàn. Bên cạnh đó, nhiều nơi đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch như: vẽ vạch giãn cách, kê bàn ghế cách nhau tối thiểu 2 m; trang bị vách ngăn chắn giọt bắn tại quầy tính tiền; yêu cầu nhân viên đeo tấm chắn giọt bắn.

Bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương-cho hay: Trên địa bàn phường hiện có hơn 100 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ủy ban nhân dân phường đã thành lập 4 tổ công tác và yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ký bản cam kết về những nội dung phòng dịch như: đảm bảo 50% công suất hoạt động so với trước, thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo quy định.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thịnh-Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất-thông tin: Trên địa bàn phường có 45 cơ sở kinh doanh ăn uống, trong số này có một số cơ sở đã tạm nghỉ, một số vẫn chưa mở cửa mua bán trở lại. “Phường yêu cầu 32 cơ sở kinh doanh hàng ăn uống ký cam kết với các nội dung theo Công văn số 3546/UBND-VHXH ngày 18-9-2021 của UBND TP. Pleiku về việc triển khai một số nội dung phòng-chống dịch Covid-19 trong tình hình mới như: cam kết giảm 50% công suất hoạt động, đăng ký số lượng khách phục vụ, số bàn phục vụ, đảm bảo 5K, giãn cách các bàn tối thiểu 2 m; chủ quán, nhân viên phục vụ và khách thực hiện quét mã QR Code khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn và các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định”-ông Thịnh cho biết.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.