Gỗ Việt bị mượn tên: Đừng để dính kiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, đã có một làn sóng các doanh nghiệp chế biến gỗ từ Trung Quốc đầu tư sang Việt Nam. Khi đó, nguy cơ gỗ Việt bị mượn tên đã được cảnh báo.
Dự án FDI từ Trung Quốc tăng vọt
Theo “Báo cáo đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam 2019: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends thực hiện, tính đến hết 2019 tổng số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong ngành gỗ là 966, với tổng vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD.
Dẫn đầu trong danh sách này là các doanh nghiệp Đài Loan (220 dự án, 1 tỷ USD vốn đăng ký), Hongkong (58 dự án, gần 952 triệu USD vốn đăng ký), Trung Quốc (217 dự án, 651,4 triệu USD). Đáng chú ý, trong các quốc gia đầu tư, quy mô vốn của mỗi dự án FDI từ Trung Quốc nhỏ nhất (3 triệu USD/dự án).
Báo cáo cũng chỉ rõ, nguồn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ dẫn đầu trong tất cả các nguồn đầu tư, trên cả ba khía cạnh là dự án mới, tăng vốn và mua bán sát nhập.
Cụ thể, đối với hạng mục các dự án FDI mới từ Trung Quốc, số lượng dự án tăng 2,3 lần và tổng vốn đầu tư của các dự án này tăng 3,4 lần so với 2018.
Sản xuất gỗ ván ép ở Công ty Nam Huy. Ảnh: I.T
Năm 2019 các doanh nghiệp FDI nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng gỗ vào Việt Nam, với kim ngạch gần 820 triệu USD, chiếm 32% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả 2 nhóm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Các mặt hàng được các doanh nghiệp FDI nhập khẩu với giá trị lớn bao gồm gỗ xẻ, các loại ván và ghế ngồi.
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong danh sách các quốc gia cung các mặt hàng gỗ cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.
“Các thông tin này khi ráp nối vào nhau cho thấy một số tín hiệu về gian lận thương mại có thể xảy ra trong một số doanh nghiệp FDI của Trung Quốc. Hình thức gian lận thương mại này cũng có thể xảy ra tại một số doanh nghiệp có liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc” – TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) nói.
Nghi ngờ hàng Trung Quốc chuyển sang
Được biết, tháng 1/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cũng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36%; mức thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%.
Sau khi sản phẩm này bị áp thuế, DOC tiếp tục điều tra, xác định việc các nhà sản xuất của Trung Quốc đã thực hiện hành vi lẩn tránh thông qua việc thay đổi sản phẩm để tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ hay không.
Tháng 11/2019, DOC khẳng định việc nhập khẩu sản phẩm gỗ dán mềm (softwood plywood) với lớp vỏ dán đang lẩn tránh biện pháp áp dụng với sản phẩm gỗ dán cứng.
Sau khi sản phẩm gỗ dán cứng bị áp thuế, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi nhanh chóng, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam tăng từ 63 triệu USD năm 2017 lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019.
Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm gỗ dán của doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở kết luận sơ bộ cho rằng có bằng chứng xác thực để nghi ngờ hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hội Chế biến gỗ Bình Dương - cho biết: "Năng lực sản xuất ván ép của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng con số xuất khẩu không thể tăng đột biến như vậy được. Đây là điều đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến sản xuất, uy tín ngành gỗ, vì vậy, lực lượng chức năng như hải quan cần quyết liệt hơn với vấn đề này, để tránh những gian lận có thể xảy ra".
Cũng theo ông Liêm, đây chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh", bởi thực tế cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng lớn mạnh và hướng đến sự chuyên nghiệp, uy tín để chinh phục những thị trường khó tính.
Ngành gỗ đề ra chiến lược mở rộng kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD đến 2025. Hiện các doanh nghiệp FDI đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu, vì vậy khuyến khích nỗ lực của các doanh nghiệp FDI nhằm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đặt ra là điều bắt buộc.
“Thay đổi cơ chế chính sách nhằm tạo kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa và các bên liên quan khác trong chuỗi cung là điều hết sức cần thiết. Cơ chế chính sách hiện hành nên tạo điều kiện cho sự hình thành các kết nối theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các liên kết với các doanh nghiệp nội địa và các bên có liên quan khác như hộ gia đình cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu. Cơ chế chính sách có thể được thiết lập theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp FDI kết hợp với các doanh nghiệp trong nước, với các doanh nghiệp trong nước phụ trách những khâu nhất định trong chuỗi cung của các doanh nghiệp FDI” – TS Tô Xuân Phúc nói. 
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm