Nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết thúc đợt kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán 2020, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai đã phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, góp phần đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Nhiều cơ sở vi phạm
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm-thông tin: Qua kiểm tra tại 41 cơ sở trên địa bàn tỉnh, đoàn kiểm tra đã phát hiện 13 cơ sở vi phạm về vệ sinh ATTP và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 69,5 triệu đồng.
Có 9 cơ sở trên địa bàn TP. Pleiku vi phạm trong đợt kiểm tra này gồm: Đặng Thị Ngọc Bích (75 Phùng Hưng, phường Hội Thương); Hồ Công Danh (375 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi); Phan Họa Long (326 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú); Nguyễn Thị Kim Liên (09 Đoàn Thị Điểm, phường Diên Hồng); Phan Văn Trung (84 Thống Nhất, phường Ia Kring); Hồ Phan Thị Túy Vân (34 Phan Đình Giót, phường Hoa Lư); Nguyễn Văn Tuấn (15 Nguyễn Thái Học, phường Hội Thương); Đặng Thị Huệ (cơ sở chả chay Ánh Quang, thôn 1, xã Biển Hồ) và Công ty TNHH Vật tư tổng hợp Hưng Nguyên (lô B5 Khu công nghiệp Trà Đa). Có 2 cơ sở  kinh doanh vi phạm ATTP tại thị xã An Khê gồm: Nem chả Ba Thái-Chợ huyện (38 Trần Quang Diệu, phường An Phú) và Trần Duy Tánh (tổ 14, phường An Phú). Các cơ sở vi phạm còn lại là hộ kinh doanh Bùi Xuân Nam (43 Phan Đình Phùng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) và hộ kinh doanh Đỗ Văn Hùng (42/10 Nguyễn Huệ, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa).
  Các đoàn kiểm tra đồng loạt ra quân đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: N.N
Các đoàn kiểm tra đồng loạt ra quân đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: N.N
Trong số các cơ sở vi phạm kể trên, Công ty TNHH Vật tư tổng hợp Hưng Nguyên đã từng bị xử phạt do vi phạm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán năm trước. Với vi phạm lần này, Công ty đã bị xử phạt 25 triệu đồng. Được biết, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Hưng Nguyên đang chế biến, sản xuất mít sấy phục vụ Tết Nguyên đán 2020. Trung bình mỗi ngày, công ty này sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn mít sấy.
Bà Phan Thị Thu Trang-Phó Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP. Pleiku-cho hay: Ngoài một số cơ sở vi phạm do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo thì vi phạm còn lại hầu hết là do ý thức của người sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ, chấp hành tốt các quy định trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. “Lỗi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang là rất phổ biến. Lỗi này phần nhiều là do ý thức của người sản xuất, kinh doanh. Mặc dù biết là vi phạm nhưng do thói quen nên nhiều người vẫn chưa chấp hành tốt”-bà Trang nói.
Cũng theo ghi nhận của đoàn liên ngành, các mặt hàng thực phẩm kinh doanh trong dịp Tết tương đối phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Hầu hết sản phẩm ở các cơ sở kinh doanh đều có nguồn gốc, chế độ bảo quản phù hợp với khuyến cáo của nhà sản xuất. Đối với các loại bánh kẹo, mứt Tết… kinh doanh theo hình thức xé lẻ cân ký, đoàn liên ngành tập trung kiểm tra hồ sơ chứng từ nhập hàng, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm cũng như đề nghị cơ sở cung cấp các bao gói sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng… “Bên cạnh các cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP thì vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm. Đối với các cơ sở này, đoàn kiểm tra không chỉ tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định mà còn yêu cầu nhanh chóng khắc phục ngay vi phạm, không để tái diễn trong thời gian tới”-ông Nguyễn Văn Đang cho biết thêm.
Tăng cường kiểm tra, đảm bảo ATTP dịp Tết
Nhằm đảm bảo ATTP trong dịp Tết năm nay, bên cạnh đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, 17/17 huyện, thị xã, thành phố cũng đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, xã để đồng loạt tổng kiểm tra ATTP trên địa bàn với mục tiêu chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP, không để thực phẩm “bẩn”, thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường. Ông Hồ Huỳnh Thiện Trung-Trưởng phòng Y tế thị xã Ayun Pa-cho biết: Từ ngày 2 đến 13-1, đoàn kiểm tra liên ngành thị xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Qua kiểm tra 24 cơ sở, đoàn đã phát hiện  2 cơ sở vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2,75 triệu đồng. Nhìn chung, các cơ sở đã nâng cao ý thức và chấp hành tốt các quy định.
Về phía Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Chi cục trưởng Nguyễn Văn Đang cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua đơn thư hoặc thông tin trực tiếp qua đường dây nóng về các vi phạm trong lĩnh vực ATTP; từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất cấp trên và tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định”.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.