Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khuôn khổ chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III-2019, sáng 9-12, tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu cà phê nước ngoài.
Dự hội nghị có các ông: Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lương Văn Tự-Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; Lê Hoàng Tài-Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại và đại diện gần 100 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, các doanh nghiệp Gia Lai và doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc...
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cà phê
Những năm gần đây, cà phê luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của nước ta. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,4-1,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua, đạt trên 3 tỷ USD/năm. Với vị trí thứ 2 về giá trị xuất khẩu, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Hội nghị giao thương giữa các nhà nhập khẩu cà phê trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Hà Duy
Hội nghị giao thương giữa các nhà nhập khẩu cà phê trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Hà Duy
Với Gia Lai, năm 2019, tuy giảm về giá trị và khối lượng nhưng tỉnh vẫn xuất khẩu hơn 180 ngàn tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 294 triệu USD, chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê chủ yếu xuất thô (chiếm 96,5%). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên: “Để cây cà phê ngày càng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế, tạo thu nhập cao cho người dân, Gia Lai đã và đang ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hành chính công nhằm đáp ứng yêu cầu một cách nhanh gọn, hiệu quả cho doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên. Ảnh: Hà Duy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Tài-Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: “Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm cà phê đã được chú trọng và đẩy mạnh hơn với nhiều hoạt động như: Lễ hội cà phê, chương trình Ngày Cà phê Việt Nam, hội nghị đón các nhà nhập khẩu quốc tế tới giao dịch thương mại, tổ chức cho các doanh nghiệp ngành cà phê tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành nông sản, thực phẩm trong và ngoài nước... Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia chủ động, tích cực của các hiệp hội, doanh nghiệp, người trồng cà phê Việt Nam cũng như sự quan tâm, tin cậy của các nhà nhập khẩu nước ngoài, các tổ chức cà phê khu vực và quốc tế, ngành cà phê Việt Nam sẽ có một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng”.
Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê, bà Lê Hoàng Diệp Thảo-Tổng Giám đốc điều hành Công ty Trung Nguyên International-cho rằng, trước tiên, phải chú trọng đúng mức, có sự đầu tư chiến lược để tăng lượng tiêu thụ ở thị trường nội địa. Các doanh nghiệp cũng phải nghĩ tới việc tăng cường quảng bá sản phẩm trên “thị trường mạng” như eBay, Amazon. “Giới trẻ năng động, nhanh nhạy, điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cà phê cũng phải nghĩ ra những sản phẩm có ảnh hưởng tích cực. Đó là nguyên do để chúng tôi cho ra đời các sản phẩm tiện lợi mà người tiêu dùng, nhất là giới trẻ dễ dàng thưởng thức chỉ với một cái bật nắp”-bà Thảo thông tin thêm.
Cơ hội mở rộng giao thương
Hội nghị lần này thực sự mở ra nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê trong và ngoài nước. Ông Jagdish Patankar-Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ấn Độ-chia sẻ: “Ấn Độ rất thích cà phê Việt Nam. Trong năm 2020, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn liên quan tới ngành cà phê, tất cả đều có quy mô quốc tế. Chúng tôi mong muốn được đón tiếp các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam đến để giao lưu và tìm kiếm cơ hội giao thương”.
  Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê có cơ hội giao thương, mở rộng thị trường. Ảnh: H.D
Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê có cơ hội giao thương, mở rộng thị trường. Ảnh: H.D
Còn bà Trần Thu Quỳnh-Tham tán thương mại, Trưởng bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore-thông tin: “Singapore là thị trường trung chuyển lớn của thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thế giới đều chọn Singapore làm bàn đạp để có thể tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn, từ đó tiếp cận thị trường. Dịp này, chúng tôi cũng đã đưa sang đây một số doanh nghiệp ở Singapore có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan tới cà phê để có thể tạo những kết nối giao thương với các doanh nghiệp có mặt tại đây. Trong đoàn cũng có một số doanh nghiệp đã tìm hiểu và muốn xây dựng nhà máy rang xay cà phê tại Việt Nam, tìm đối tác mua nguyên liệu”.
Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (TP. Hồ Chí Minh) được xem là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Muốn định vị thương hiệu, chúng ta cũng phải chú ý tới công tác quảng cáo, tổ chức và xây dựng thương hiệu như thế nào. Chính phủ cũng phải có chính sách để hỗ trợ việc này”.
Kim Linh

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.