Phát hiện nhiều vụ nhập hàng Trung Quốc "ẩn" xuất xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghi vấn Công ty ASANZO nhập khẩu hàng Trung Quốc đột lốt hàng Việt Nam đang được dư luận hết sức quan tâm. Trên thực tế, không chỉ riêng vụ việc trên, thời gian qua cơ quan Hải quan đã chủ động phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ nhập khẩu hàng Trung Quốc, nhưng lại ẩn xuất xứ nhằm lừa người tiêu dùng.
Hàng Trung Quốc không nhãn mác, xuất xứ bị phát hiện tại cảng Cát lái vào cuối tháng 4/2019. Ảnh: T.H.
Mập mờ xuất xứ
Liên quan đến hàng nhập khẩu mang nhãn hiệu ASANZO, cuối năm 2018, Cục Hải quan TPHCM phát hiện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh nhập khẩu cả ngàn chiếc lò nướng mang nhãn hiệu ASANZO từ Trung Quốc nhưng khai linh kiện và không thể hiện xuất xứ. Vụ việc này đang được điều tra, mở rộng.
Ngoài vụ việc liên quan nhãn hiệu ASANZO, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3)- Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cũng đang tiếp tục điều tra, xác minh vụ nhập khẩu 5 container thiết bị nhà bếp Trung Quốc để khởi tố.
Vào cuối tháng 4/2019, Đội 3 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, kiểm tra 5 container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và XNK Kim Long (địa chỉ tại số 1A21/2 tổ 1, ấp 1, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM), phát hiện chứa trên 6.000 chậu rửa bát đôi, thừa so với khai báo hải quan trên 3.000 chiếc chậu rửa và không khai báo hải quan 1.000 bộ vòi sen tắm. Trị giá lô hàng ước tính ban đầu khoảng 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trên toàn bộ sản phẩm hàng thực nhập không thể hiện nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Theo các công chức hải quan, việc nhập khẩu hàng hóa không nhãn mác vi phạm pháp luật hải quan. Nhiều khả năng, nếu lô hàng nhập khẩu trót lọt, sẽ được gắn nhãn mác cao cấp để lừa người tiêu dùng.
Qua xác minh của cơ quan Hải quan, các công ty đứng tên nhập khẩu hàng hóa vi phạm nêu trên đều mới được thành lập năm 2018. Sau thời gian đi vào hoạt động được 1-2 tháng, các DN này nhập khẩu hàng vi phạm và đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn ngay tại cửa khẩu.
Cuối năm 2018, Đội 3 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cũng đã kiểm tra một lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phát hiện trên 600 chiếc loa kéo giả mạo xuất xứ Việt Nam. Trong quá trình làm thủ tục khi nhập khẩu lô hàng, doanh nghiệp chỉ khai báo mặt hàng loa kéo, không nhãn hiệu, xuất xứ Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, trên bao bì toàn bộ sản phẩm lại được ghi hàng hóa xuất xứ Việt Nam (Made in Viet Nam) và ghi địa chỉ doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Hải quan chủ động ngăn chặn
Trong thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua việc ghi xuất xứ hàng hóa NK có chiều hướng gia tăng, theo đó hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng mượn xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng trong nước, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng, giày dép, quần áo, mỹ phẩm… Cụ thể, hàng hóa được sản xuất, NK từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng trên nhãn hàng hóa đã thể hiện “Made in VietNam”, mã vạch, địa chỉ của DN sản xuất tại Việt Nam. Hàng hóa NK được một số người Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng và NK về Việt Nam. Cơ quan Hải quan đã chủ động ngăn chặn, nhưng khi bị phát hiện, đại diện các DN đều làm ngơ, đổ lỗi cho phía nước ngoài gửi nhầm hàng (?!)...
Không chỉ có hàng điện tử, hàng tiêu dùng, Cục Hải quan TPHCM cũng đã phát hiện nhiều trường hợp nhập khẩu mặt hàng gạch ốp lát từ Trung Quốc, nhưng trên sản phẩm lại ghi hàng được sản xuất tại Việt Nam.
Trước thực trạng trên, để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa, Thông tư 38/2018/TT-BTC; quy trình kiểm tra xuất xứ của Tổng cục Hải quan và Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
Theo đó, đối với hàng hóa NK từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) công chức hải quan thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng NK, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).
Trường hợp phát hiện hàng hóa NK ghi nhãn “Made in Vietnam”, cục hải quan các tỉnh, thành phố xác minh làm rõ; trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa NK có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hòa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phòng Công nghệ thông tin phối hợp với Phòng Thuế XNK của Cục Hải quan TPHCM, Cục Thuế TPHCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tổng rà soát các doanh nghiệp có liên quan đến Công ty ASANZO.
Hải quan TP Hồ Chí Minh vào cuộc vụ ASANZO

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng đã chủ trì cuộc họp với các phòng nghiệp vụ và chi cục có liên quan rà soát các vấn đề liên quan đến Công ty Cổ phần Điện tử ASANZO Việt Nam. Theo đó, ông Đinh Ngọc Thắng đã chỉ đạo Hải quan TPHCM thành lập tổ rà soát, giải quyết các vấn đề liên quan đến Công ty Cổ phần Điện tử ASANZO Việt Nam và các công ty liên quan. Cùng với đó, Cục Hải quan TPHCM sẽ phối hợp với Cục Thuế TPHCM điều tra, xác minh tình trạng báo cáo quyết toán thuế hàng năm cũng như tình trạng chấp hành nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước của các công ty có liên quan.

Lê Thu (HQ Online)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.