Điểm mặt địa phương ký khống cho hàng ngoại "đội lốt" Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Thực tế, các địa phương đã ký khống cho các doanh nghiệp để họ có được giấy tờ đầu vào. Tôi đề nghị UBND các địa phương không thực hiện hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam", ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cảnh báo.
 
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. (Ảnh: Internet)
Ô tô nhập khẩu ồ ạt, hải quan tăng thu 20.000 tỷ đồng
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành Tài chính diễn ra sáng 12/7, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết, sau 6 tháng đầu năm 2019, tổng số thu hải quan đã đạt trên 170.000 tỷ đồng, tương đương 60% so với mọi năm và tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh việc chủ động việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu, số thu hải quan phát sinh tăng đột biến đến từ 2 khoản là ô tô và dầu thô.
Trong đó, số thu hải quan từ ô tô trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 515% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương mức tăng thu gần 20.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số tăng thu từ dầu thô cũng đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến số thu hải quan từ ô tô tăng đột biến nửa đầu năm 2019 do số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ 2018.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 64.795 ô tô nguyên chiếc các loại, cao gấp 7 lần so với cùng kỳ. Tổng giá trị nhập khẩu ô ô cũng đạt trên 1,43 tỷ USD.
Trong đó, phần lớn số xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam vẫn là ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, với 47.670 xe, gấp 7 lần cùng kỳ. Loại ô tô nguyên chiếc nhập về tăng mạnh nhất là ôtô vận tải với 15.158 chiếc, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu vẫn đến từ các thị trường chính như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.... Số xe nhập khẩu từ 5 thị trường này chiếm tới trên 90% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Cũng theo số liệu của cơ quan này, riêng tháng 5, có 357 triệu USD linh kiện và phụ tùng ôtô các loại được các doanh nghiệp nhập khẩu vào nước ta. Con số này của tháng trước đó là 318 triệu USD.
Lũy kế sau 5 tháng từ đầu năm, giá trị nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam cũng lên tới 1,65 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hoá Việt Nam có thể bị Mỹ trừng phạt do địa phương ký khống cho doanh nghiệp
Liên quan tới tình trạng hàng hoá vi phạm xuất xứ, “đội lốt” hàng hoá Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay: "Hiện chúng tôi đã điều tra và chuẩn bị báo cáo chi tiết các vụ gian lận về xuất xứ Việt Nam, kể cả là các loại hàng nhập khẩu giả mạo hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng. Hay, các loại hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam, sau đó giả mạo, trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam, lấy danh nghĩa là hàng Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài".
Đối với các mặt hàng gỗ, sắt thép, hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp gỗ trong nước khai thu mua nguyên liệu gỗ từ các hộ nông dân, các địa phương để chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài. Song theo điều tra của cơ quan hải quan lại không đúng như vậy.
"Thực tế là các địa phương đã ký khống cho các doanh nghiệp để họ có được giấy tờ đầu vào. Vậy nên, tôi đề nghị UBND các địa phương không thực hiện hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Khi các nước như Mỹ họ điều tra ngược lại về vấn đề truy xuất nguồn gốc thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ bị phạt và đánh thuế rất nặng", ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Gần đây, sản phẩm thép Việt Nam đã bị Mỹ áp mức thuế lên tới 456% cũng do liên quan đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ. Trên cơ sở đó, lãnh đạo ngành hải quan đề nghị các địa phương chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, rà soát xuất xứ đầu vào các sản phẩm xuất nhập khẩu.
"Chúng tôi kiến nghị các bộ ngành cùng trao đổi cơ sở dữ liệu, đặc biệt hai cơ quan là Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, làm sao cùng hải quan quản lý các C/O xuất nhập khẩu", ông Nguyễn Văn Cẩn đề xuất.
Nguyên Phương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.