Hàng Việt trước nguy cơ bị giả mạo xuất xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng gian lận thương mại gia tăng và ngày càng có chiều hướng tinh vi hơn. Một trong những hình thức gian lận đó là hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt, ghi nhãn xuất xứ tại Việt Nam… 
 
 Xe đạp điện Việt Nam là một trong những sản phẩm thường bị lợi dụng thương hiệu.
Gia tăng tình trạng gian lận
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng nhập lậu, và hàng hóa bắt giữ được đều được gắn mác “Made in Vietnam”.  Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng càng ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam nên các đối tượng đã tuồn hàng kém chất lượng vào và gắn mác xuất xứ tại Việt Nam. Chị Hoàng Thu Hằng (ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ lo ngại: Đồ tiêu dùng hàng ngày chỉ sử dụng hàng của DN Việt Nam sản xuất, thế nhưng hàng giả mạo xuất xứ cũng được làm rất tinh vi, không khác hàng Việt Nam khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Thông tin từ cơ quan quản lý thị trường cho hay, lực lượng chức năng mới đây đã kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển một lô hàng lớn từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Hàng hóa trên xe ước tính khoảng 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng… Toàn bộ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc nhưng rất nhiều sản phẩm trong đó gắn mác xuất xứ tại Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2018, lượng xe đạp điện của Việt Nam xuất khẩu sang EU là trên 138.000 chiếc, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017. Bộ Công thương cảnh báo, lượng xuất khẩu tăng nhanh, trùng với thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với xe đạp điện nhập từ Trung Quốc, có thể dẫn tới nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số DN xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới DN xuất khẩu chân chính. Do đó, Bộ Công thương đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Gia tăng giám sát
Cũng theo Bộ Công thương, không chỉ xe đạp điện, trong năm 2018, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt, thép, tấm năng lượng mặt trời, tôn, gỗ ván ép, nguyên liệu thủy sản… có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách đột biến từ 20-47%. Sự gia tăng đột biến này khiến nhiều mặt hàng Việt Nam rơi vào các vụ kiện điều tra chống lẩn tránh thuế với 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được triển khai.
Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), mới nhất là CPTPP. Tham gia các FTA, các loại hàng hóa sẽ dần dần được hưởng thuế nhập khẩu thấp hoặc giảm về 0%. Đây là lợi thế song cũng là bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam, bởi sẽ gia tăng tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa. Khi đó, không chỉ người tiêu dùng mất niềm tin mà còn gây tác hại khôn lường đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo cảnh báo của Bộ Công thương, trong các điều khoản cam kết của các nước tham gia Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, điều khoản về truy xuất nguồn gốc sản phẩm được đặt lên hàng đầu để nhận được ưu đãi. Nếu phát hiện hàng hóa đó không được sản xuất tại Việt Nam, hoặc nguyên liệu “đầu vào” không được nhập từ nước thứ 3 (cho phép), thì các nước đối tác có quyền đặt các hàng rào kỹ thuật hoặc cấm nhập. Nếu một doanh nghiệp mắc phải trường hợp này, thì thiệt hại về uy tín cho thương hiệu Việt sẽ là rất lớn nếu không nói là sẽ bị tẩy chay vì gian lận.
Nhằm hạn chế tình trạng này, Bộ Công thương cho biết, đang xây dựng dự thảo Đề án phòng, chống gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa, trong đó đề xuất phải giám sát chặt chẽ số liệu về xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Đơn cử, khi một nhóm hàng hóa có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu và cũng gia tăng một cách tương ứng kim ngạch xuất khẩu sang một thị trường khác, đó là biểu hiện nguy cơ rất rõ. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để tổ chức theo dõi, nắm bắt những diễn biến bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường, từ đó đưa ra cảnh báo sớm về việc gia tăng để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, DN nắm được thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề xuất mức tăng hình phạt cho DN vi phạm.    
* Theo Bộ Công thương, chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2018, lượng xe đạp điện của Việt Nam xuất khẩu sang EU là trên 138.000 chiếc, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017. Từ đó có thể dẫn tới việc EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số DN xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng tới DN xuất khẩu chân chính. Do đó, Bộ Công thương đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Minh Phương (Đại Đoàn Kết)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.