Chợ đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) được Sở Công thương lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sau khi hoàn thành, mô hình sẽ được nhân rộng nhằm từng bước góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về ATTP, đồng thời thúc đẩy tiểu thương kinh doanh đảm bảo sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng.
Nhiều bất cập về ATTP
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 93 chợ (40 chợ thị trấn, phường và 53 chợ xã), gồm: 1 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 64 chợ hạng III và 16 chợ tạm với hơn 9.189 hộ kinh doanh. Riêng các hộ buôn bán thực phẩm chiếm khoảng 45% với khoảng 3.212 hộ kinh doanh thường xuyên và 962 hộ kinh doanh không thường xuyên. Các hộ này chủ yếu bán những loại thực phẩm tươi sống như: thịt gia súc, gia cầm, thủy-hải sản, các loại rau củ quả, trứng gia cầm… phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương và góp phần tiêu thụ hàng nông sản sản xuất tại chỗ.
Nhận thức của nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh về vấn đề ATTP tại chợ còn hạn chế. Ảnh: H.T
Nhận thức của nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh về vấn đề ATTP tại chợ còn hạn chế. Ảnh: H.T
Những năm qua, công tác quản lý, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm. Song, ngoài một số ít chợ được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp thì phần lớn đều xây dựng tạm, chưa đảm bảo yêu cầu về ATTP. Đa số chợ chưa bố trí điểm kinh doanh ngành hàng thực phẩm riêng biệt; chỉ có một số tiểu thương có hợp đồng, sổ sách theo dõi hàng hóa thực phẩm xuất-nhập, còn lại đều không quan tâm đến vấn đề này. Cách thức kiểm tra nguồn hàng thực phẩm vào chợ chủ yếu bằng cảm quan, chưa có phương tiện kỹ thuật để kiểm tra. Bên cạnh các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vẫn còn tràn lan các mặt hàng thực phẩm không bao bì, nhãn mác lưu thông tại nhiều chợ.
Mặt khác, các chợ chưa có kho bảo quản lạnh riêng đối với ngành hàng thực phẩm nên người bán chỉ bảo quản theo phương pháp thủ công (ướp đá). Trang-thiết bị của đại đa số tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh còn thiếu và chưa đảm bảo yêu cầu ATTP. Một số chợ xã thiếu các hạng mục phụ trợ như: tường rào, nhà vệ sinh, hố chứa rác thải, hệ thống cấp-thoát nước. Tình trạng giết mổ gia cầm trong chợ vẫn còn, không có khu giết mổ riêng, hệ thống xử lý nước thải và chất thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều quầy hàng thực phẩm chín không có tủ kính che đậy; nơi chế biến, các bàn ăn và người chế biến thực phẩm hầu như không đảm bảo các tiêu chí về ATTP theo quy định.
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác giữ gìn vệ sinh ATTP; sự hiểu biết về các quy định của nhà nước về ATTP còn hạn chế; người tiêu dùng ở nông thôn chưa phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng và ATTP.
Xây dựng mô hình chợ ATTP đầu tiên
Trước thực trạng trên, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch và đề án mô hình thí điểm chợ đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Ông Nguyễn Văn Mão-Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho hay: Sau khi khảo sát, đánh giá, phân tích thực trạng công tác bảo đảm ATTP tại 93 chợ trên toàn tỉnh từ năm 2012 đến năm 2017, tháng 6-2018, Sở Công thương đã xây dựng đề án về mô hình này tại chợ Phù Đổng (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) với kinh phí thực hiện 250 triệu đồng do Bộ Công thương hỗ trợ. Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện lại nội dung theo ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2018. Đây là mô hình chợ văn minh thương mại, đáp ứng điều kiện đảm bảo ATTP, giảm thấp nhất thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo an toàn cũng như do ngộ độc thực phẩm gây ra trong quá trình sử dụng thực phẩm tại chợ; tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý chợ và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP của các hộ kinh doanh.
   Chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) sẽ là chợ an toàn thực phẩm đầu tiên của tỉnh . Ảnh: H.T
Chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) sẽ là chợ an toàn thực phẩm đầu tiên của tỉnh. Ảnh: H.T
Theo ông Lê Huy Phong-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng, vì chợ mới đi vào hoạt động nên cơ sở vật chất vẫn còn khá tốt. Các sạp hàng đều được tiểu thương xây dựng đồng bộ, thống nhất về kiểu dáng, kích thước và ốp gạch men mặt trên sạch sẽ. Mặt nền chợ, đường đi đều đã đổ bê tông; hệ thống điện, nước sinh hoạt đảm bảo; chợ có nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh thoát nước và sọt chứa rác thải tạm thời. Tuy nhiên, chợ vẫn còn một số tồn tại gây mất ATTP như: nước thải qua bể chứa chưa được xử lý đảm bảo theo quy định trước khi xả ra hệ thống mương thoát nước của thành phố; chưa phân loại rác thải; thiếu hệ thống kho hàng, các thiết bị lạnh công suất lớn để bảo quản thực phẩm; hàng thực phẩm cung cấp cho các hộ kinh doanh trong chợ chưa qua kiểm dịch; tiểu thương chưa thực hiện trang bị bảo hộ lao động; khu vực kinh doanh thực phẩm tại chợ dù đã bố trí riêng nhưng vẫn gây ảnh hưởng về khói, mùi tới các ngành kinh doanh khác…
“Sau khi nhận được chủ trương về việc lựa chọn chợ Phù Đổng làm mô hình thí điểm chợ ATTP của tỉnh, Ban Quản lý chợ đã thông báo, tuyên truyền đến các tiểu thương để họ biết và tự nâng cao ý thức về ATTP trong quá trình kinh doanh. Đồng thời, Ban Quản lý chợ phối hợp cùng Phòng Kinh tế TP. Pleiku, Sở Công thương triển khai các phần việc như: thiết kế 2 bảng hiệu tuyên truyền ở cổng ra vào chợ, 5 bảng phân chia khu vực kinh doanh, 2 bảng nội quy chợ, 1 bảng niêm yết sơ đồ phân khu và các biển hiệu ghi tên người bán hàng; cải tạo, sửa chữa các quầy sạp xuống cấp và xây mới 4 sạp dài tại khu vực dành riêng cho người dân tộc thiểu số buôn bán với diện tích 22,4 m2; tổ chức 2 hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh ngay tại khuôn viên chợ”-ông Phong cho hay. 

Chợ Phù Đổng là chợ hạng II nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của tỉnh với diện tích 3.100 m2, gồm 2 tầng, hoạt động từ tháng 6-2016. Theo thiết kế, chợ có 192 sạp và 88 mặt bằng ki-ốt nhưng hiện tại chỉ có 174 hộ kinh doanh (149 hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm, 21 hộ kinh doanh hàng ăn uống, còn lại là quần áo, hóa-mỹ phẩm).

Là một tiểu thương gắn bó lâu năm với chợ Phù Đổng, bà Dương Thị Phúc (tổ dân phố 9, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi bán thịt heo đã được gần 30 năm, từ khi còn ở chợ cũ. Bản thân tôi luôn ý thức giữ gìn vệ sinh ATTP khi buôn bán. Ngày nào tôi cũng lau chùi sạp hàng sạch sẽ, lót thêm tấm giấy bìa dày rồi mới đặt thịt lên trên cho khô ráo. Nghe tin chợ Phù Đổng sắp được đầu tư xây dựng làm điểm về mô hình chợ ATTP, tiểu thương chúng tôi rất vui”.
“Nếu được công nhận là chợ ATTP thì chắc chắn sau này người tiêu dùng sẽ tin tưởng và tìm đến chợ Phù Đổng nhiều hơn, việc kinh doanh của chúng tôi cũng sẽ thuận lợi hơn. Vậy nên không có lý do gì tôi không ủng hộ cả. Trước giờ, tôi cứ tự nhủ, buôn bán phải có cái tâm, nấu bán cho khách như nấu cho chính gia đình mình ăn nên luôn đảm bảo an toàn, vệ sinh; thậm chí tôi còn mua tủ đông bỏ tại chợ để bảo quản thực phẩm tươi sống chưa kịp nấu”-chị Nguyễn Thị Mỹ Nữ (tổ dân phố 10, phường Hội Phú, TP. Pleiku), tiểu thương kinh doanh mặt hàng ăn uống, phấn khởi nói.
Được biết, sau khi hoàn thành việc xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP tại chợ Phù Đổng, Sở Công thương sẽ tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm để làm cơ sở nhân rộng cho các chợ trên địa bàn tỉnh. “Theo lộ trình, năm 2019, Sở sẽ xây dựng 2 chợ ATTP tại TP. Pleiku và huyện Ia Grai; năm 2020  tiếp tục thực hiện thêm 2 mô hình nữa tại thị xã An Khê và huyện Mang Yang. Bên cạnh nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu hàng năm và vốn hỗ trợ từ địa phương, kinh phí phục vụ xây dựng, nhân rộng mô hình dự tính chủ yếu kêu gọi từ nguồn xã hội hóa”-ông Nguyễn Văn Mão thông tin.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.