Tây Nguyên trong chiến lược xuất khẩu sản phẩm gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước 8 tháng qua đạt hơn 4 tỷ USD. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD trong năm nay, hướng đến đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025, kết hợp với bảo vệ bền vững môi trường, ngành gỗ Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ xây dựng vùng nguyên liệu đến đổi mới công nghệ chế biến, mở rộng thị trường. Trong đó, đẩy mạnh việc trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010-2017 và đã đạt hơn 8 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020. Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, với khoảng 4.500 doanh nghiệp (95% là doanh nghiệp tư nhân), ngành chế biến lâm sản đã tạo ra khoảng 50 vạn việc làm trực tiếp tại các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng rừng ở khu vực nông thôn, miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội. Chế biến lâm sản đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội và là ngành xuất khẩu chủ lực trong tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp với giá trị xuất siêu đạt 73%. Gỗ và sản phẩm gỗ thuộc số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. Tại hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gỗ hồi đầu tháng 8 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới”.
Vài năm gần đây, các khu vực sản xuất đồ gỗ đều chững lại, ngoại trừ châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi Trung Quốc bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ, khiến đồ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh thì nhu cầu đồ gỗ nội thất trên thế giới lại tăng trưởng. Trong khi đó, đây lại là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, dư địa để phát triển ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam còn rất rộng nhờ lao động phù hợp, năng lực cạnh tranh toàn ngành tốt. Nếu bỏ lỡ cơ hội này để phát triển ngành gỗ thì Việt Nam sẽ bị Indonesia, Malaysia vượt mặt để giành thị trường, chiếm ngôi quán quân trong khu vực ASEAN.
Trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đặt mục tiêu trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu trở thành một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong bối cảnh Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta, tuy vẫn duy trì ưu đãi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đồ gỗ nhưng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của nước này đang giảm từ 35% xuống còn 25% để hỗ trợ cho ngành sản xuất nội địa, gồm cả ngành gỗ; nhu cầu của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không tăng mạnh, thị trường châu Âu cũng vậy, đồng Euro giảm giá đã gây khó khăn không ít cho đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu, phát triển rừng gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ chọn, tạo giống đến trồng, chăm sóc rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng. Ngoài khai thác và sử dụng có hiệu quả 2,8 triệu ha rừng trồng sản xuất hiện có, sẽ ổn định diện tích khai thác rừng khoảng 200.000-250.000 ha/năm.
Các tỉnh Tây Nguyên từng được xem là địa bàn có vốn rừng tự nhiên giàu có thì thời gian gần đây cũng đã giảm nhiều về chất lượng do tình trạng phá rừng khó kiểm soát, do cạnh tranh từ các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, với hơn 2,5 triệu ha rừng hiện có (trong đó, rừng tự nhiên trên 2,234 triệu ha, còn lại là rừng trồng), tỷ lệ che phủ rừng chỉ còn hơn 46% (tính cả cây cao su và cây đặc sản), Tây Nguyên cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,8%. Cùng với Tây Bắc, Tây Nguyên phải là địa bàn chiến lược cung ứng nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến gỗ xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mạnh của thế giới như kỳ vọng của Chính phủ.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm