Vui buồn rau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nhâm Dần. Thời điểm này, nông dân các vùng chuyên canh rau củ quả như Đak Pơ, An Khê, Pleiku… đang tất bật vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá các loại rau biến động thất thường khiến “người buồn cũng có, người vui cũng nhiều”.

  Vườn bắp sú của gia đình ông Trần Đại Nghĩa (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Hồng
Vườn bắp sú của gia đình ông Trần Đại Nghĩa (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Hồng

Đang thu hoạch 1,5 sào dưa leo, ông Võ Trọng Nghĩa (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: Gia đình ông trồng 7 sào rau các loại và thường xuyên luân canh gối vụ để có sản phẩm cung cấp thị trường. Mọi năm, giá rau xanh trong tháng Chạp thường bấp bênh. Năm nay, giá một số loại rau xanh giữ ổn định như: khổ qua 8.000 đồng/kg; bắp sú 6.000-7.000 đồng/kg; cà chua chín 14.000 đồng/kg, hành lá 6.000 đồng/kg, rau gia vị 2.000 đồng/kg... “Đây là tín hiệu đáng mừng với người trồng rau chúng tôi. Với 1,5 sào dưa leo, mỗi ngày, tôi thu hoạch được 3-4 tạ, giá bán 6.000 đồng/kg. Tôi cũng vừa thu hoạch xong 2,5 sào đậu cô ve bán với giá 9.000-10.000 đồng/kg, thu về gần 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-ông Nghĩa chia sẻ.

Tại huyện Đak Pơ, nhà vườn phấn khởi khi giá một số loại rau xanh tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều hộ lại không có sản phẩm để cung ứng ra thị trường bởi mưa kéo dài. Ông Trần Đại Nghĩa (thôn Hiệp An, xã Cư An) cho hay: “Tết này, tôi không có rau để bán bởi mưa kéo dài, không xuống giống kịp thời vụ. Việc giá một số loại rau củ quả trong tháng Chạp năm nay tăng cao hơn so với những năm trước là rất đáng mừng, giúp người trồng rau có thu nhập khi Tết đến”.

Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ: Toàn huyện có gần 7.000 ha rau xanh các loại, cung cấp chủ yếu tại thị trường các tỉnh miền Trung, bình quân mỗi ngày khoảng 140 tấn. Riêng vụ rau Tết này, giá tăng cao hơn những năm trước là điều rất đáng mừng. Hy vọng giá rau ổn định để người dân có một cái Tết đầm ấm, đồng thời tiếp tục đầu tư sản xuất phục vụ thị trường sau Tết.

Người dân xã Chư Á thu hoạch đậu cô ve. Ảnh: Nguyễn Hồng
Người dân xã Chư Á (TP. Pleiku) thu hoạch đậu cô ve. Ảnh: Nguyễn Hồng


Trong khi giá một số loại rau xanh tăng hơn mọi năm thì cũng có một số loại đang giảm mạnh như: xà lách, cải cúc, cải ngọt, cải thìa… Ông Trương Văn Chinh (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) buồn bã nói: “Vừa rồi, tôi phải cắt bỏ 2 sào cải thìa đến kỳ thu hoạch vì giá quá thấp, chỉ còn 1.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Tính sơ bộ, gia đình thiệt hại gần 10 triệu đồng tiền đầu tư giống, phân bón, chưa kể công chăm sóc”. Còn ông Nguyễn Văn Hợi (cùng thôn) thì chia sẻ: Giá chỉ còn 700-1.000 đồng/kg nên tôi cũng phải cày bỏ 3 sào rau cải để chuẩn bị đất sản xuất vụ rau mới. Vụ rau này, tôi mất trắng hơn 10 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của P.V, trong thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá rau xanh thường không ổn định. Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng nên lợi nhuận không cao.

 

 NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.