Công ty Đào Tiến Phát Gia Lai tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại huyện Chư Sê, Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai là một trong những đơn vị tiên phong đưa công nghệ cao vào sản xuất chuối tiêu hồng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng chuối xuất khẩu bằng công nghệ cao
Ông Đào Tiến Tình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai (35 Trần Hưng Đạo, thị trấn Chư Sê) từng sở hữu đến 25 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2018, nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, rồi giá quay đầu giảm sâu, ông quyết định chuyển sang trồng chuối tiêu hồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ áp dụng công nghệ cao. Ông chia sẻ: “Hầu như mọi công đoạn sản xuất đều được thực hiện bằng máy móc. Việc tưới cây cũng sử dụng công nghệ phun mưa được điều khiển tự động. Đặc biệt, tất cả chất thải trong nông nghiệp đều được tận dụng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Đồng thời, tôi cũng tự tìm tòi, nghiên cứu bộ sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học (gồm 3 sản phẩm) để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Nhờ đó, vườn cây luôn sinh trưởng và phát triển tốt, cho ra những buồng chuối tiêu hồng đạt tiêu chuẩn Organic, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…”.
Nhờ sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh sinh học nên chất lượng vườn chuối của ông Đào Tiến Tình luôn được đảm bảo. Ảnh: Quang Tấn
Nhờ sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh sinh học nên chất lượng vườn chuối của ông Đào Tiến Tình luôn được đảm bảo. Ảnh: Quang Tấn
Theo ông Tình, để có những buồng chuối ngon, đẹp, đủ điều kiện xuất khẩu thì đòi hỏi phải chăm sóc công phu, tuân thủ nhiều yếu tố từ chọn giống, tưới nước, bón phân đến thu hoạch, đóng gói. Mọi công đoạn trong quá trình sản xuất đều được ghi chép trên sổ điện tử. Bên cạnh đó, để giảm chi phí cũng như hạn chế hư hỏng trong quá trình thu hoạch, ông đầu tư hơn 500 triệu đồng làm hệ thống ròng rọc dài khoảng 2 km đưa chuối từ vườn về khu chế biến, tiến hành đóng gói trước khi xuất khẩu. “Tôi đang trồng khoảng 40 ha chuối. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 10 tháng, trung bình 2 năm thu 3 đợt. Hệ thống ròng rọc giúp tôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công, đồng thời hạn chế việc chuối bị dập, trầy xước dẫn đến phải loại bỏ. Nhờ đó, 1 ha chuối sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu được khoảng 150 triệu đồng”-ông Tình cho biết.
Nông dân hưởng lợi
Theo ông Tình, điều kiện thổ nhưỡng Gia Lai rất phù hợp với cây chuối. Quả chuối tiêu hồng ở đây dai, ngọt, thơm hơn những vùng đất khác. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu 5.000 tấn/năm, Công ty liên kết với các hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn trồng hơn 110 ha chuối. “Công ty ký hợp đồng cung ứng cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và bao tiêu sản phẩm. Đối với những hộ dân liên kết trồng trên diện tích lớn thì Công ty đưa hệ thống thu hoạch đến tận vườn để thu mua, chế biến, đóng gói tại chỗ rồi đưa về kho bảo quản”-ông Tình cho hay. 
Thời gian tới, Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai sẽ mở rộng liên kết với người dân mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Quang Tấn
Thời gian tới, Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai sẽ liên kết với người dân mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Quang Tấn
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: “Công ty Đào Tiến Phát Gia Lai là một trong những đơn vị tiên phong đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, mô hình liên kết trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu của Công ty được huyện đánh giá cao. Chúng tôi đã làm việc với Công ty để tìm hướng mở rộng liên kết sản xuất, nhất là với các hộ dân tộc thiểu số”.
2 năm trở lại đây, gia đình anh Cao Quyết Thắng (làng Greo Sek, xã Dun) trở nên khấm khá nhờ liên kết trồng chuối tiêu hồng với Công ty Đào Tiến Phát Gia Lai. “Tôi liên kết trồng hơn 7 ha, được Công ty hỗ trợ cây giống, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học với giá rẻ. Không chỉ thế, anh Tình còn xuống vườn hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch cũng như áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, vườn chuối sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, quả chuối đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Mỗi héc ta chuối cho năng suất khoảng 60-70 tấn xô (nguyên buồng). Với giá bán bình quân 3-5 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 100 triệu đồng mỗi đợt thu hoạch. Bên cạnh đó, các phế phẩm, hàng không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng được Công ty thu mua với giá 1-1,5 ngàn đồng/kg”-anh Thắng phấn khởi nói. 
Bà Lưu Thị Phượng (làng Dnâu, xã Bờ Ngoong) cũng liên kết trồng 10 ha chuối được hơn 1 năm nay. Bà vui vẻ cho biết: “Tôi đang thu hoạch đợt đầu tiên. Nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất của Công ty nên năng suất đạt cao. Với giá bán hiện tại 3.500 đồng/kg xô, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu về gần 150 triệu đồng/ha. Chuối có chu kỳ thu hoạch khoảng 5 năm, 2 năm thu được 3 đợt nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.