Thu tiền tỷ nhờ nuôi heo công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mô hình chăn nuôi heo công nghiệp, mỗi năm, cựu chiến binh Cao Khắc Tư (tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) thu về hàng tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã An Khê, chúng tôi đến tham quan trang trại chăn nuôi heo của ông Cao Khắc Tư. Khu chăn nuôi rộng gần 400 m2 nằm giữa mênh mông ruộng rẫy. Ông Tư cho biết: Nhận thấy mô hình chăn nuôi heo công nghiệp mang lại thu nhập cao, ông đã đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Khi đã nắm vững kiến thức, năm 2014, ông bắt tay xây dựng chuồng trại tại rẫy mía của gia đình. “Tôi chia khu nuôi nhốt thành 4 dãy chuồng, trong đó có 2 dãy nuôi heo thịt, 1 dãy nuôi heo nái sinh sản và dãy còn lại nuôi heo con. Chuồng được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát; được trang bị đầy đủ máng ăn, vòi uống nước tự động và hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas…”-ông Tư nói.

 Trang trại chăn nuôi heo công nghiệp của gia đình ông Cao Khắc Tư (tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh
Trang trại chăn nuôi heo công nghiệp của gia đình ông Cao Khắc Tư (tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh


Trong quá trình chăn nuôi, ông chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh. Theo đó, đàn heo được ông Tư tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Định kỳ mỗi tuần 1 lần, ông rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và cứ 3 ngày lại phun khử khuẩn 1 lần. Đặc biệt, ông không cho người lạ vào khu chăn nuôi. Cùng với phòng bệnh, ông Tư cũng coi trọng nước uống và thức ăn của đàn heo. “Nước giếng hay nước ao hồ, sông suối, trước khi bơm tới hệ thống vòi uống tự động thì phải được lọc kỹ càng, đồng thời bỏ Cloramin B vào để khử khuẩn nhằm ngăn ngừa bệnh viêm đường ruột cho đàn heo. Mặt khác, tôi mua cám tổng hợp ở các công ty có uy tín, chuyên cung cấp thức ăn gia súc”-ông Tư chia sẻ.  

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và chủ động phòng ngừa dịch bệnh nên đàn heo luôn khỏe mạnh. Đến nay, trang trại của ông Tư có 46 con heo nái, 300 con heo thịt và hơn 100 heo con. Mỗi năm, ông Tư xuất chuồng khoảng 1.000 con heo thịt, trọng lượng đạt hơn 1 tạ/con, giá bán heo hơi dao động trong khoảng 65-67 ngàn đồng/kg. Ông Tư bộc bạch: “Giống heo siêu nạc, xương nhỏ, thịt nhiều, khi chế biến thịt dai, thơm được thị trường ưa chuộng. Vì thế, giá bán thường cao hơn các loại heo khác khoảng 20 ngàn đồng/tạ. Mỗi năm, gia đình tôi thu về gần 3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí”. Ngoài ra, tận dụng nguồn chất thải, ông Tư trồng 3 ha mía và trồng cỏ nuôi bò nhằm tăng nguồn thu cho gia đình.

Không chỉ mang lại thu nhập cao, trang trại nuôi heo của ông Tư còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 10-12 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Bình (tổ 5, phường Tây Sơn) kể: “Trước đây, ai kêu gì tôi làm nấy, lúc bốc vác, khi đi phụ hồ, nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm. Hơn 4 năm vào làm tại trang trại của ông Tư, tôi có công việc ổn định. Hàng ngày, chúng tôi luân phiên cho heo ăn, quét dọn chuồng trại. Với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, gia đình tôi không còn khó khăn, thiếu thốn”.

Trao đổi với P.V, ông Lý Văn Mười-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã An Khê-thông tin: “Trang trại nuôi heo công nghiệp của ông Cao Khắc Tư là mô hình chăn nuôi tiêu biểu, hiệu quả; không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho con em hội viên cựu chiến binh”.

 

NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.