Chư Păh đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra và tăng thu nhập.

Vụ mùa 2021, thông qua sự kết nối của UBND huyện Chư Păh, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa) triển khai mô hình trồng bắp sinh khối với diện tích 100 ha (mỗi vụ 50 ha). Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, vật tư cũng như hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Đến khi thu hoạch, Tập đoàn Lộc Trời mới khấu trừ tiền đầu tư.  

  Mô hình trồng bắp sinh khối của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng bắp sinh khối của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam


Ông Trần Văn Hạ-thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa-cho hay: Hợp tác xã có 6 thành viên tham gia liên kết trồng bắp sinh khối. Tập đoàn Lộc Trời đầu tư 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm với giá 650 đồng/kg. Hiện cây bắp đang phát triển tốt. Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn hướng dẫn phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ đầu vụ”.

Theo ông Nguyễn Thế Minh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa: Mô hình này được HTX triển khai vào cuối tháng 5-2021. Cây bắp từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch khoảng 75 ngày. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 16-17 triệu đồng/ha, dự kiến năng suất đạt 45-50 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, bà con nông dân có thể lãi 12-15 triệu đồng/ha/vụ. “Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình trồng bắp sinh khối, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để mở rộng diện tích, trong đó, HTX sẽ làm trung gian để liên kết với người dân trên địa bàn huyện mở rộng diện tích lên 500-1.000 ha”-ông Minh cho biết.

Bên cạnh đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa còn liên kết với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai triển khai mô hình trồng cà gai leo trên diện tích 5,7 ha với 57 hộ dân tham gia. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 8,5 triệu đồng/sào gồm cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời, Công ty cam kết thu mua với giá bảo hiểm 20.000 đồng/kg cà gai leo khô.  

Mô hình trồng cà gai leo ở xã Ia Nhin đã bất đầu cho thu hoạch. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng cà gai leo ở xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) đang cho thu hoạch đợt đầu tiên Ảnh: Lê Nam


Hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình trồng cà gai leo đang thu hoạch đợt đầu tiên. Ông Khổng Minh (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) cho biết: Tôi trồng xen 3 sào cà gai leo trong vườn sầu riêng. Khi tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ về cây giống, phân bón. Đồng thời, cán bộ của huyện và Công ty thường xuyên xuống tận vườn để hướng dẫn kỹ thuật. Với 3 sào cà gai leo, tôi đã thu được gần 1 tấn khô. Đặc điểm cây cà gai leo có thể tái sinh sau khi thu hoạch và duy trì gốc 3-4 năm, mỗi năm thu hoạch 3 đợt. Tôi dự định mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho hay: Vừa qua, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, đặc biệt quan tâm đến chính sách định hướng phát triển HTX nông nghiệp, chú trọng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với hộ dân và doanh nghiệp. Triển khai nghị quyết này, huyện sẽ vận động người dân chuyển đổi những diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối. Trong khi đó, mô hình liên kết trồng cây cà gai leo sẽ là bước đệm để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

 

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.