An Khê đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, thị xã An Khê tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành các vùng chuyên canh cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho hay: An Khê là vùng chuyên canh rau quả được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Rau An Khê-Gia Lai”. Hiện tại, thị xã tiếp tục đầu tư xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng ở từng xã, phường để xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực. 
Theo đó, thị xã đã xây dựng các vùng chuyên canh như: sản xuất rau củ quả chứng nhận nhãn hiệu rau An Khê tại phường An Bình và xã Tú An; hoa chất lượng cao tại phường Ngô Mây và An Tân; lúa nước ổn định khoảng 1.376 ha tại các xã: Cửu An, Tú An, Song An, Thành An và phường An Phước; cây ăn quả có múi và cây dược liệu tại 5 xã: Cửu An, Tú An, Song An, Xuân An, Thành An.
Ông Nguyễn Minh Đệ (thôn Điền Nam, xã Cửu An) cho biết: Trước đây, ông và một số hộ dân trong vùng chuyển đổi 14 ha mía, mì kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi da xanh, quýt đường. Từ năm 2019 đến nay, các hộ nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP. “Riêng gần 5 sào quýt đường của gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch lứa đầu tiên. Với giá 15 ngàn đồng/kg trở lên thì gia đình sẽ có nguồn thu ổn định, không lo đầu ra của sản phẩm”-ông Đệ phấn khởi nói.
Vườn quýt đường đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Minh Đệ đang nuôi quả chờ thu hoạch
Vườn quýt đường đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Minh Đệ (thôn Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê). Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo bà Nguyễn Thị Phúc-Chủ tịch UBND xã Cửu An: Cùng với các loại cây trồng truyền thống như lúa nước, mía, mì và keo lai, những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của thị xã, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có múi theo quy trình chứng nhận VietGAP. Từ 14 ha ban đầu, đến nay, bà con tiếp tục mở rộng diện tích lên 17 ha và chủ động tham gia Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Cửu An để cùng chung sức xây dựng thương hiệu cây ăn quả có múi của địa phương. Đối với diện tích đất thu hồi dọc 2 bờ kênh thủy điện (khoảng 10 ha) có nguồn nước tưới ổn định, UBND xã đã quy hoạch để phát triển cây ăn quả và trồng thêm cây dừa xiêm xanh.
Còn ông Lê Văn Bộ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1 thì chia sẻ: Thị xã rất quan tâm hỗ trợ nông dân và các HTX phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với thế mạnh của địa phương. Riêng HTX Nông nghiệp Tú An 1 được hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cà gai leo, rau thủy canh, dưa lưới… Nhờ đó, sản phẩm trà cà gai leo và trà đinh lăng đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là tiền đề để HTX hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm chất lượng cao và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Ông Lê Văn Bộ-Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1 bên vườn rau thủy canh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Lê Văn Bộ-Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1 bên vườn rau thủy canh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê cho biết thêm: Thời gian tới, thị xã tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung sản xuất cây trồng, rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng xã, phường; kết nối thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân. Đặc biệt, hỗ trợ 40 ngàn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các HTX, tổ hợp tác và chủ thể, tạo uy tín trên thị trường, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.
“Hiện nay, thị xã tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời đang khảo sát xây dựng trung tâm nghiên cứu và cung ứng giống rau, hoa và cây ăn quả tại xã Cửu An với diện tích khoảng 60 ha để cung cấp cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên và lân cận. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, mở ra cơ hội để nông nghiệp thị xã phát triển mạnh và bền vững trong những năm tới”-ông Thành khẳng định.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.