Phụ nữ Pleiku sản xuất nông sản, thực phẩm sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào sản xuất nông sản, thực phẩm sạch đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm được các cấp Hội Phụ nữ ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) hưởng ứng, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Gia đình chị Trần Thị Mận (tổ 3, phường Thống Nhất) có hơn 2 sào rau tham gia mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường triển khai. Mô hình không chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh mà còn giúp gia đình có thêm thu nhập.
Chị chia sẻ: “Bước đầu, hướng sản xuất này đã thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của nông dân. Đặc biệt, việc “nói không” với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng mà còn nâng cao giá trị sản phẩm”.
Vườn rau sạch của gia đình chị Trần Thị Mận (tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Vườn rau sạch của gia đình chị Trần Thị Mận (tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Theo bà Đặng Thị Bảy-Chủ tịch Hội LHPN phường Thống Nhất, chị Mận là 1 trong 27 phụ nữ tích cực tham gia mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch”. Mô hình này được triển khai cuối năm 2019, bình quân mỗi hội viên có 2 sào rau màu trở lên. Từ khi tham gia mô hình, chị em đã tích cực thông tin tới bà con lối xóm về hiệu quả thiết thực của việc sản xuất rau sạch. Qua đó, mọi người dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo thành phong trào sản xuất, cung ứng rau an toàn, chất lượng.
“Khi triển khai mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch”, các hội viên được tập huấn về phương pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình khoa học nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả cao và thực sự có ý nghĩa”-Chủ tịch Hội LHPN phường Thống Nhất cho hay.
Đầu năm 2021, Hội LHPN xã Trà Đa ra mắt Câu lạc bộ “Nói không với heo 2 chuồng”. Đây là bước ngoặt làm thay đổi tư duy chăn nuôi của chị em phụ nữ. Từ trước tới nay, theo quan niệm của một số chị em thì đàn heo khi nuôi sẽ được chia làm 2 chuồng: 1 chuồng chăm sóc theo kiểu truyền thống để giết mổ làm thực phẩm cho gia đình và 1 chuồng chăm sóc theo hướng tăng trọng để xuất bán ra thị trường.
Để làm thay đổi tư duy của phụ nữ về vấn đề này, Hội LHPN TP. Pleiku đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tạo thói quen không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, hóa chất quá liều lượng và ngoài danh mục cho phép.
Câu lạc bộ “Nói không với heo 2 chuồng” đã làm thay đổi tư duy sản xuất chăn nuôi của chị em phụ nữ xã Trà Đa. Ảnh Trần Dung
Câu lạc bộ “Nói không với heo 2 chuồng” đã làm thay đổi tư duy chăn nuôi của phụ nữ xã Trà Đa. Ảnh: Trần Dung
Chị Nguyễn Thị Minh-Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nói không với heo 2 chuồng”-cho biết: “20 hội viên tham gia Câu lạc bộ đã cam kết thực hiện đúng mục tiêu không nuôi heo 2 chuồng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với cách nuôi heo truyền thống, ban đầu, mỗi hội viên nuôi khoảng 5-10 con và chỉ cho ăn rau, cám gạo, bắp xay sạch. Chúng tôi vận động, hướng dẫn hội viên nhân rộng mô hình, đồng thời, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể để ngăn chặn, đẩy lùi thực trạng nuôi heo 2 chuồng”. Tuy nhiên, theo chị Minh, để hội viên tin tưởng, thực hiện đúng mục tiêu chăn nuôi an toàn thì việc duy trì đầu ra cho sản phẩm heo sạch cũng cần được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ, kết nối.
Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku-thông tin: Từ năm 2019, Hội đã phát động phong trào phụ nữ sản xuất nông sản, thực phẩm sạch tại phường Thống Nhất và xã Diên Phú. Đến nay, Hội xây dựng thêm Câu lạc bộ “Nói không với heo 2 chuồng” ở xã Trà Đa. Ngoài ra, Hội cũng phát động phong trào mỗi gia đình hội viên, phụ nữ đều có vườn rau, cây ăn quả an toàn. Hầu hết hoạt động này đều được chị em hưởng ứng và mang lại hiệu quả cao.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng cách làm hay, hiệu quả về sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, góp phần làm thay đổi trong tư duy, nhận thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng”-Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku nhấn mạnh.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.