Chương trình OCOP: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế nông thôn ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Gia Lai có 149 sản phẩm đạt 3-4 sao. Từ thành công đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 250 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao và có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao.

Huyện Đak Đoa là địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP nhất với 19 sản phẩm đạt 3-4 sao. Đến nay, chất lượng các sản phẩm OCOP từng bước nâng cao và được người tiêu dùng đón nhận. Trong đó, các sản phẩm đặc trưng đã được người tiêu dùng ưa chuộng như: bò khô Huy Vũ, tiêu hữu cơ Lệ Chí, khoai lang Lệ Cần, măng le Anh Tuấn, măng giòn Vân Long, cà phê Đak Yang...

 Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Ảnh: Lê Nam
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Lê Nam


Bà Hồ Thị Vân (làng Kóp, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Năm 2020, tôi đăng ký sản phẩm măng giòn Vân Long tham gia Chương trình OCOP và được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Năm nay, tôi tiếp tục đăng ký thêm 2 sản phẩm là măng khô Vân Long và măng chua Vân Long”.

Ông Phạm Văn Hưng (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) có 3 ha cà phê được trồng theo hướng nông nghiệp sạch. Ông đầu tư máy móc để chế biến cà phê sạch cung cấp ra thị trường. Năm 2020, sản phẩm Hưng Liên Coffee của ông được công nhận OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.

Ông cho biết: “Sản phẩm của tôi được sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu thu hoạch đến chế biến nên đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ tham gia Chương trình OCOP nên sản phẩm được tham gia phiên chợ nông sản an toàn hàng tháng tại huyện và đưa lên sàn giao dịch điện tử của tỉnh. Năm nay, tôi tiếp tục tham gia thêm 2 sản phẩm là trà túi lọc đinh lăng, trà túi lọc khổ qua rừng và nấm linh chi”.    

Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Thời gian qua, huyện mời chuyên gia tư vấn và tổ chức tập huấn, rà soát ý tưởng, sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia OCOP. Đồng thời, hỗ trợ họ hoàn thiện sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác, in bao bì; hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, đăng ký sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; nâng cao kiến thức sản xuất, kỹ năng quản lý, bán hàng cho chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất; triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho hay: Đến nay, huyện có 6 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình đã có sự phát triển về chất lượng và số lượng.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các quy trình sản xuất, thiết kế bao bì, đăng ký mã vạch, mã QR Code, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tham gia quản lý Chương trình OCOP, đặc biệt là các thủ tục hành chính phải thực hiện nhanh gọn nhằm tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp”-ông Duyên chia sẻ.

Bà Hồ Thị Vân (làng Kóp, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) giới thiệu sản phẩm măng giòn Vân Long đạt 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Lê Nam
Bà Hồ Thị Vân (làng Kóp, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) giới thiệu sản phẩm măng giòn Vân Long đạt 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Lê Nam


Ngày 14-4, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn Chương trình OCOP, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cho gần 200 hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tổ trưởng các tổ liên kết sản xuất, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã… thuộc huyện Chư Sê và Phú Thiện.

HỒNG THƯƠNG

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; duy trì chu trình OCOP thường niên; hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; nâng cao doanh số bán hàng và lợi nhuận từ sản phẩm của các cơ sở sản xuất và các tổ chức kinh tế; đào tạo nghề và giải quyết việc làm thông qua Chương trình OCOP; hỗ trợ, cung cấp dịch vụ marketing online, định hướng áp dụng công nghệ 4.0; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp tỉnh hoặc các doanh nghiệp mang sản phẩm OCOP tiêu biểu đến giới thiệu tại các thị trường trong nước và quốc tế...

“Đây là chương trình khởi nghiệp toàn dân nên cần tuyên truyền để mọi người hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP. Từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Cần lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương để tham gia chương trình. Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại là bước đi quan trọng để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng và ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP”-ông Nghĩa thông tin thêm.

 

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.