Khan hiếm nhân công thu hoạch hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, các hộ trồng hồ tiêu đang gặp khó vì khan hiếm nhân công dù tiền thuê từ 180 đến 200 ngàn đồng/ngày.
Chạy đôn chạy đáo tìm nhân công
Gần 1 ha hồ tiêu của anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) đang bắt đầu chín rộ. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm, anh vẫn không thuê được nhân công thu hoạch. “Vì kiếm người không ra nên vợ chồng tôi trực tiếp thu hái. Hơn 1.000 trụ hồ tiêu thế này không biết hái chừng nào cho xong”-anh Vương than thở. 
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương (xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) tự thu hoạch hồ tiêu do không tìm được nhân công. Ảnh: Hà Phương
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương (xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) tự thu hoạch hồ tiêu do không tìm được nhân công. Ảnh: Hà Phương
Tương tự, gia đình chị Đặng Thị Tuyết (làng Mui, xã Bình Giáo) cũng đang gặp khó trong việc tìm nhân công thu hoạch hơn 1,2 ha hồ tiêu. Mặc dù hơn 1 tháng trước, chị Tuyết nhờ người thân ở tỉnh Bình Định tìm giúp nhưng cũng chỉ được 2 người với giá thuê 180.000 đồng/người/ngày. Sau mùng 10 tháng Giêng, chị Tuyết bắt đầu thu hoạch nhưng đến nay vẫn chưa xong do không thuê được nhân công.
Ông Nguyễn Đình Trọng-Chủ tịch UBND xã Bình Giáo-cho hay: “Toàn xã hiện có hơn 75 ha hồ tiêu, giảm hơn 50% so với các năm trước. Năm nay, nhiều người trồng hồ tiêu đang đau đầu với việc thiếu nhân công thu hoạch. Nếu để hồ tiêu quá chín mà không thu hái kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng cho vụ sau. Hiện tại, giá thuê nhân công thu hái cũng cao nhưng khó tìm được người làm”.
Không riêng huyện Chư Prông, nhiều nông hộ trồng hồ tiêu ở các địa phương như: Chư Sê, Ia Grai, Đak Đoa cũng rất khó tìm nhân công hái hồ tiêu. Bà Phạm Thị Hằng (tổ 3, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Tuy mới vào vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ trồng hồ tiêu rất vất vả tìm nhân công thu hái. Năm trước, tôi thuê 10-15 nhân công với giá 160.000 đồng/người/ngày. Năm nay, công lao động tại địa phương từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày, còn phải bao ăn ngày 3 bữa mà vẫn không kiếm ra. Tôi phải nhờ người nhà tìm giúp mới được 6 nhân công từ tỉnh Quảng Ngãi lên.
“Chê” công việc thời vụ
Anh Trần Văn Nghị (thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cho biết: “Hơn 6 năm qua, cứ xong việc đồng áng, tôi lại lên Gia Lai để hái thuê cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, do công việc thời vụ không ổn định nên tôi xin làm bảo vệ cho một công ty. Tuy lương không cao nhưng công việc ổn định, lại gần nhà”. 
Nhiều nhà vườn đỏ mắt tìm nhân công thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hà Phương
Nhiều nhà vườn đỏ mắt tìm nhân công thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hà Phương
Không chỉ lao động ngoài tỉnh mà ngay cả lực lượng lao động trẻ trên địa bàn tỉnh cũng không mặn mà với loại hình công việc có tính thời vụ này. Anh Rah Lan Mul (làng Kueng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê) thông tin: Mấy năm trước, cứ vào vụ thu hoạch hồ tiêu thì thanh niên trong làng hồ hởi đi hái thuê. Hai năm nay, hàng chục thanh niên trong làng rủ nhau vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân, thu nhập ổn định hơn. “Hiện giờ, anh vào làng tìm người hái hồ tiêu thì không ai muốn đi đâu. Thanh niên đi làm công nhân trong các khu công nghiệp hết rồi”-anh Mul giải thích.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 2.500 ha hồ tiêu, giảm hơn 30% so với những năm trước. Việc không thu hoạch kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sản lượng cho năm tiếp theo do cây hồ tiêu sẽ bị mất sức và sinh trưởng yếu”.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.