Chư Păh hỗ trợ hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) quan tâm hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết: Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025), Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, đặc biệt quan tâm đến chính sách định hướng phát triển HTX nông nghiệp. Từ đây, huyện đã tạo điều kiện để các HTX liên kết với hộ dân và doanh nghiệp xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản.

“Toàn huyện có 9 HTX và 5 tổ hợp tác. Tuy số lượng còn hạn chế nhưng các HTX và tổ hợp tác đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, chủ động liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên các HTX về kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, tưới nhỏ giọt trên một số cây trồng và chế biến cà phê; đưa giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; tạo điều kiện kết nối để các HTX có cơ hội ký kết với doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi giá trị bền vững”-ông Sơn thông tin.

Trên diện tích trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C của người dân trên địa bàn xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Huỳnh Lê
Diện tích cà phê trồng theo tiêu chuẩn 4C của người dân xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Huỳnh Lê

Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ du lịch Ia Mơ Nông-cho hay: Hợp tác xã có 9 thành viên. Trước đây, HTX “tự bơi” tìm đầu ra nên hoạt động không ổn định, thu nhập chỉ khoảng 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2020, HTX hợp tác với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mỗi năm cung cấp 1.000 tấn cà phê nhân. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng với 369 hộ trồng cà phê thực hiện theo đúng quy trình 4C mà Công ty TNHH Vĩnh Hiệp yêu cầu trên tổng diện tích hơn 121 ha.

Ông Thanh phấn khởi nói: “Điều này mở ra cơ hội ổn định đầu ra sản phẩm cho người trồng cà phê với giá cao hơn thị trường 3%. Chúng tôi cũng đã đầu tư 13 máy xay xát, chia theo nhóm 5-7 hộ/máy. Khi thực hiện phơi xay cho HTX, người dân còn lợi 600 ngàn đồng-1 triệu đồng/tấn cà phê nhân so với bán xô tươi như trước đây; đồng thời, tận dụng vỏ cà phê để ủ làm phân bón”.

Cũng theo ông Thanh, từ nay đến năm 2022, HTX sẽ triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã vùng sản xuất và nguồn gốc xuất xứ cho cà phê vùng Ia Mơ Nông, Ia Ka.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa đã ký kết với 126 hộ dân để trồng cà phê theo hướng hữu cơ trên diện tích 63 ha. Ngoài ra, HTX còn ký kết với 30 hộ dân trồng 3 ha cà gai leo để cung cấp cho Công ty Đông Nam Dược Gia Lai.

Ông Nguyễn Thế Minh-Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX-cho biết: “Công ty thu mua với giá bảo hiểm 20.000 đồng/kg. Thuận lợi hơn là trên diện tích trồng cà gai leo, bà con còn trồng xen sầu riêng. Ngày 8-3 vừa rồi, chúng tôi có buổi làm việc với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và họ đánh giá rất cao vườn sầu riêng trên địa bàn xã. Trong tương lai không xa, ngoài cà gai leo, nông dân còn có đầu ra ổn định đối với sản phẩm sầu riêng”.

Mô hình cà gai leo được trồng xen trong vườn sầu riêng của người dân xã Nghĩa Hòa. Ảnh: Huỳnh Lê
Mô hình trồng cà gai leo xen trong vườn sầu riêng của người dân xã Nghĩa Hòa. Ảnh: Huỳnh Lê
Năm 2019 và 2020, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã liên kết với người dân trên địa bàn các xã: Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Nghĩa Hòa canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C trên diện tích 455 ha. Ngoài ra, người dân còn thực hiện chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững trên diện tích 369 ha gắn với bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Trung (thôn 2, xã Nghĩa Hòa) phấn khởi nói: “Nhà tôi trồng 2 ha cà phê. Trước đây, sản phẩm được bán cho thương lái. Sau khi ký kết hợp tác, HTX cho tạm ứng phân bón để chăm sóc. Đến kỳ thu hoạch, HTX cam kết thu mua hết với giá ổn định cao hơn so với thị trường 3%. Ngoài ra, gia đình cũng trồng hơn 1 ha cà gai leo để cung cấp cho HTX. Nếu vẫn giữ giá 35.000 đồng/kg khô như hiện nay thì vài tháng nữa, tôi sẽ thu được gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, trên diện tích cà gai leo, tôi còn trồng xen cây sầu riêng, khoảng hơn 1 năm nữa là cho thu bói”.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-thông tin: Một số HTX năng động tìm hướng ra cho sản phẩm, song vẫn chưa nhiều so với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Nguyên nhân là do nhân lực của các HTX còn hạn chế, người dân còn nặng sản xuất theo phương pháp truyền thống, chưa đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo quản sau thu hoạch. Vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

“Thời gian tới, chúng tôi tăng cường xúc tiến thương mại để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm; định hình cho HTX sản xuất cái gì, sản xuất cho ai. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực nhiều rủi ro nên chính quyền sẽ tiếp tục tìm kiếm, hỗ trợ sản xuất liên kết chuỗi giá trị và quan tâm đến công tác tập huấn trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững”-ông Phụng nhấn mạnh.

HUỲNH LÊ

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.