Cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 2020, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tại Gia Lai. Đây là cơ hội để doanh nghiệp xích lại gần nông dân và cùng hưởng lợi từ chuỗi giá trị.
 

Tạo niềm tin cho nông dân

Ông Đinh Gia Nghĩa-Phó Tổng Giám đốc DOVECO, Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho biết: Tại Gia Lai, đơn vị đã thực hiện liên kết phát triển vùng nguyên liệu 2.600 ha gồm các loại cây trồng: dứa, chanh dây, chuối, bắp ngọt, bơ, xoài, rau chân vịt... thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động theo mô hình khép kín từ cung cấp cây giống, hỗ trợ nông dân sản xuất đến thu mua, chế biến sản phẩm để xuất khẩu.

“Khi mới bắt đầu triển khai vùng nguyên liệu, Công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình liên kết sản xuất. Trải qua quá trình hợp tác, hiện đã có hàng trăm tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp của các địa phương cung ứng hàng chục ngàn tấn sản phẩm cho nhà máy chế biến rau củ quả tại huyện Mang Yang, bước đầu đã tạo được niềm tin cho bà con nông dân”-ông Nghĩa thông tin.

Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc


Ông Trần Ngọc Châu-Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chanh dây thôn 1 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Tổ có 26 hộ canh tác hơn 15 ha chanh dây liên kết với DOVECO Gia Lai. Công ty cung ứng giống với giá 15 ngàn đồng/cây và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch của bà con. Chanh dây được xem là cây trồng đem lại lợi nhuận khá cao, bà con cũng an tâm về đầu ra vì đã có hợp đồng cam kết của nhà máy. Với năng suất khoảng 25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người dân đạt lợi nhuận trên 120 triệu đồng/năm”.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Xuân (thôn 3, xã Thành An, thị xã An Khê) đã chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng. Năm 2018, ông liên kết với DOVECO Gia Lai trồng 5 sào chuối. Hiện mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng sau 2 đợt thu hoạch chuối. Ông dự định sẽ mở rộng diện tích trồng thêm một số loại cây ăn quả, rau màu để cung cấp nguyên liệu cho DOVECO Gia Lai.

Trong chuyến thăm và làm việc với DOVECO Gia Lai vào cuối năm 2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao mô hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Thứ trưởng cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta chỉ có 6 từ khóa gồm: hợp tác-liên kết-thị trường-giảm chi phí-tăng chất lượng-đa dạng hóa sản phẩm chế biến. Trong đó, hợp tác và liên kết là then chốt để giải quyết mọi vấn đề và DOVECO đã thành công về điều này.

“Không có tổ hợp tác, hợp tác xã thì bản thân DOVECO không thể kết nối được với từng hộ dân”-Thứ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Mở ra cơ hội mới

Ông Đinh Gia Nghĩa cho biết: Đến năm 2025, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến tại Gia Lai lên 200 tấn sản phẩm/năm. Đến năm 2025, vùng nguyên liệu của Công ty phấn đấu đạt 15.000 ha chanh dây, 10.000 ha dứa, bắp ngọt và rau chân vịt 5.000 ha, xoài 5.000 ha, chuối 5.000 ha. Để đạt được mục tiêu này, Công ty đã ký kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

 Sơ chế bắp tại DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Sơ chế bắp tại nhà máy của DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Thời gian tới, tỉnh sẽ chuyển đổi những diện tích cao su trồng ở độ cao trên 700 m so với mực nước biển, tiếp đến là một số diện tích điều lâu năm cùng với mía kém hiệu quả. Vì vậy, sẽ có nhiều diện tích cho vùng nguyên liệu để các nhà máy đầu tư vào Gia Lai. Vấn đề cốt lõi là chính sách giá thu mua của doanh nghiệp phải ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất, mở ra nhiều cơ hội mới từ chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp”.
 

Còn ông Nguyễn Võ Huy Hoàng-Phó ban Liên kết sản xuất nông nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời-cho rằng: Thế mạnh của Tập đoàn Lộc Trời là lĩnh vực trồng trọt, DOVECO là đơn vị mạnh về chế biến và phân phối. Trong năm 2021, Công ty sẽ liên kết phát triển vùng nguyên liệu 100 ha tại Gia Lai. Thông qua hợp tác xã, nông dân sẽ sử dụng vật tư nông nghiệp theo quy trình hướng dẫn, áp dụng các tiêu chí về chất lượng vào sản xuất để đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho DOVECO. Thông qua chuỗi liên kết hợp tác, Công ty đặt hàng với người dân bằng những hợp đồng cụ thể theo tiêu chuẩn để họ sản xuất. Về tiêu thụ, nếu giá thị trường cao sẽ thu mua theo giá thị trường, nếu giá thấp sẽ mua tối thiểu bằng giá sàn.

“Công ty đặt ra với từng loại cây trồng sẽ có những giá sàn và mức tính toán để người dân đảm bảo được lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích. Đồng thời, chúng tôi cùng với DOVECO xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính”-ông Hoàng thông tin.

Chứng kiến lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, sự kiện này tiếp tục ghi dấu sự thành công trong công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Ngoài DOVECO, hiện tỉnh đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư vào địa bàn để thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để tạo thành chuỗi liên kết cung ứng lớn mạnh, từ đó nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ra thị trường thế giới.

 

PHẠM NGỌC-LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.