Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh Gia Lai: Nhân giống thành công loài lan quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nhiều tháng nghiên cứu, ứng dụng quy trình ươm giống lan rừng hoàng nhạn tháng 8 theo phương pháp nuôi cấy mô, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh Gia Lai đã nhân giống thành công loài lan quý hiếm này.
Ông Phạm Cường-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh-cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất các giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã nghiên cứu nhân giống được nhiều giống lan như: kim tuyến, giả hạc, hoàng thảo kèn…, đặc biệt là giống lan rừng hoàng nhạn tháng 8. Đây là một trong những giống hoa lan quý đã cạn kiệt do khai thác quá mức”.
Theo đó, để nhân giống, Trung tâm mua hạt giống của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đak Đoa về gieo hạt, sau đó chuyển sang phương pháp nuôi cấy mô tế bào trong phòng lạnh. Sau nhiều tháng thử nghiệm và đưa ra trồng ở nhà lưới, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện trồng và chăm sóc ngoài trời. Đặc điểm của giống lan này là lá ngắn, hoa có màu vàng tím và vàng trơn, mùi thơm bay xa, thường nở vào tháng 8.
Anh Sin Ly (bìa trái) và anh Yô Na lựa chọn cây con lan hoàng nhạn tháng 8. Ảnh: Nguyễn Diệp
Anh Sin Ly (bìa trái) và anh Yô Na lựa chọn cây con lan hoàng nhạn tháng 8. Ảnh: Nguyễn Diệp
Là một trong những người mê lan, anh Sin Ly (làng Dôr 1, xã Glar) cho biết: “Tôi chơi lan rừng được 7 năm nay và chủ yếu chuyên về dòng lan hoàng nhạn tháng 8. Những năm 2013 trở về trước, dòng lan này còn nhiều, giá chỉ 50-150 ngàn đồng/kg. Năm ngoái, tôi đã nhân giống được khoảng 300 cây lan hoàng nhạn tháng 8 nhưng đến giờ đã bán gần hết, chỉ còn vài chục cây để chơi”.
Theo anh Ly, một cây hoàng nhạn tháng 8 đẹp có giá tầm 10-15 triệu đồng. Đặc biệt, cây đột biến có giá rất cao. Hiện nay, nhiều người trong làng cũng trồng loài hoa lan này vì giá trị kinh tế cao.
Cùng niềm đam mê chơi lan, anh Yô Na (làng Groi Wêt, xã Glar) kể: “Vườn lan của gia đình tôi có hơn 100 cây hoàng nhạn tháng 8 và giả hạc. Trồng lan mang lại hiệu quả kinh tế khá nên tôi mới chuyên tâm theo đuổi. Vừa rồi, thấy Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh nhân giống lan này thành công nên tôi tìm đến mua về trồng, chăm sóc thêm trong vườn…”.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Cường cho biết thêm: Vài tháng nay, Trung tâm đã cung cấp khoảng 5.000 cây lan hoàng nhạn tháng 8 cho những người yêu thích hoa lan và các nhà vườn. Hiện đã có trên 50.000 cây lan hoàng nhạn tháng 8 được Trung tâm chuyển từ phòng nuôi cấy mô ra nhà lưới. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung nhân rộng giống lan này cũng như các loại lan rừng khác, mở ra triển vọng trong lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý và đáp ứng nhu cầu của người chơi lan.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.