Phát triển nông nghiệp thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là nội dung buổi làm việc giữa đoàn công tác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam do GS-TS. Nguyễn Thị Lan-Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn với lãnh đạo tỉnh Gia Lai ngày 2-10. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tiềm năng, lợi thế rất lớn

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu rõ: Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, những năm qua, Gia Lai đã định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp và đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm. Địa phương luôn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và hình thành chuỗi liên kết. Đồng thời, tập trung xây dựng nhiều đề án, kế hoạch, chương trình hành động để phát triển nông nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt 5,28%; đến năm 2020, giá trị sản xuất đạt 30.186 tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2015. Trong đó, trồng trọt vẫn là lĩnh vực chủ đạo. Nhiệm kỳ qua, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn; chuyển tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Dung
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Dung


Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã trở thành đòn bẩy quan trọng tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành. Nông nghiệp bước đầu phát triển theo quan điểm sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Các loại cây công nghiệp chủ lực được đầu tư sản xuất theo chiều sâu gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ đã giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; tăng cường sử dụng các giống mới, thâm canh theo hướng bền vững, tăng năng suất, mang lại hiệu quả cao hơn cho người sản xuất.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã có nhận thức tốt về sự cần thiết, mục tiêu của chủ trương tái cơ cấu dựa trên phương châm “hợp tác, liên kết và thị trường”, từ đó hình thành các mô hình hợp tác để tích tụ đất sản xuất, chủ động liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất… Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp…

Ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-cho hay: “Sau một thời gian khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Gia Lai là vùng đất phù hợp với các loại cây ăn quả nên đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Hiện nay, kết quả mà nhà máy thu về rất khả quan. Chúng tôi là doanh nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nông dân từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu rau quả. Sản phẩm của Công ty đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và chinh phục được thị trường khó tính như châu Âu. Thời gian tới, Công ty sẽ xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương. Với những thành công bước đầu của Công ty, chúng tôi hy vọng Gia Lai sẽ trở thành thủ phủ của các loại cây ăn quả”.

Phát triển nông nghiệp tương xứng với tiềm năng

Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc


Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù ngành nông nghiệp đang có những bước tiến tích cực, song vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả; dịch bệnh khảm lá mì, trắng lá mía, sâu keo mùa thu, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu… vẫn còn xảy ra nhưng chưa có giải pháp căn cơ để khống chế.

Mặt khác, nông nghiệp còn chịu ảnh hưởng của thời tiết trong khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Giá vật tư đầu vào tăng cao mà thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra lại không ổn định, nhất là giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của tỉnh. Song song với đó, mô hình liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân chưa đồng bộ; thiếu doanh nghiệp liên kết đầu tư, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra…

Về những vướng mắc của ngành nông nghiệp Gia Lai, PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng: “Chúng ta cần xác định rõ đâu là thế mạnh trong nông nghiệp của tỉnh? Với cây nông nghiệp chủ lực, cây ăn quả hay cây dược liệu… cần nắm rõ vùng đất nào phù hợp với loại cây nào, cách trồng và chăm sóc cũng như thị trường ra sao? Theo tôi, chúng ta nên tích hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái”.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất nông nghiệp mà địa phương đang gặp phải, trong đó chủ yếu liên quan đến công tác quy hoạch, định hướng phát triển dựa trên các tiềm năng, lợi thế của địa phương và khó khăn trong phát triển hợp tác xã. Qua đó, các sở, ngành mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tỉnh bổ sung vào quy hoạch và có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, GS-TS. Nguyễn Thị Lan đã nêu ra một số yếu tố thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở Gia Lai; các vấn đề đặt ra hiện nay liên quan đến công tác quy hoạch, định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, liên kết tạo chuỗi sản phẩm…

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan nhận định: “Gia Lai là vùng đất có rất nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp gắn với giá trị gia tăng cao, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành như: chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản thô, phụ thuộc vào thị trường; năng suất, chất lượng không ổn định nên khả năng cạnh tranh chưa cao; liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ… Để khắc phục những hạn chế này, chúng tôi hy vọng sẽ cùng với tỉnh hoàn thiện “Đề án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” làm cơ sở khoa học triển khai thực hiện có hiệu quả”.

Theo đó, đề án này sẽ tập trung vào quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu gắn với chiến lược, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

 Cây công nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp tục được đầu tư theo chiều sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Ảnh: Trần Dung
Cà phê-cây công nghiệp chủ lực của tỉnh-tiếp tục được đầu tư sản xuất theo chiều sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Ảnh: Trần Dung


Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Giá trị kinh tế mang lại của ngành nông nghiệp tỉnh nhà vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Đây là bài toán mà tỉnh vẫn còn loay hoay tìm lời giải. Chúng ta vẫn chưa xác định được vùng đất nào phù hợp với loại cây nào? Các ứng dụng nghiên cứu khoa học có gắn với thực tiễn? Phải đánh giá được hết tiềm năng thì chúng ta mới có thể tìm hướng phát huy những tiềm năng đó. Về định hướng phát triển kinh tế trong những năm tới, Gia Lai xác định nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng, đề án nghiên cứu về phát triển nông nghiệp mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai rất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Học viện để tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có các nhân tố quan trọng là nông dân; giúp tỉnh đánh giá tiềm năng cũng như các giải pháp tổng hợp phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với văn hóa, du lịch; đưa ra định hướng phát triển phù hợp với đặc thù của từng vùng gắn với thị trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng nghiên cứu, trao đổi, phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nghiên cứu của Học viện nhằm giúp nền nông nghiệp tỉnh phát triển hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.