Những kết quả ấn tượng trong phong trào "Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diện mạo nông thôn ở 182 xã trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống người dân ngày một nâng cao. Đó là thành quả sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”.
 


Nhiều cách làm sáng tạo

Những ngày đầu tháng 9-2020, gần 100 thanh niên làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) cùng tham gia trồng cây xanh, thu gom rác thải dọc tuyến đường từ quốc lộ 14 dẫn vào làng và những trục đường nội thôn để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Bà Rơ Châm Xoan chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động, những năm qua, dân làng tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM thông qua việc góp ngày công lao động và hiến đất làm đường. Đặc biệt, từ khi được chọn xây dựng làng NTM theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hầu hết người dân trong làng thường xuyên thu gom rác thải sinh hoạt, trồng cây, hoa dọc các tuyến đường làng. Bên cạnh đó, bà con còn xây dựng nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chỉnh trang hàng rào thẳng tắp… từng bước hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận làng NTM trong năm nay”.

Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Chư Păh. Ảnh: Đ.T
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Chư Păh. Ảnh: Đức Thụy


Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020 với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính đột phá. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng NTM”, các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức phát động thi đua với nhiều mô hình hay, sáng tạo.

Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai xây dựng 108 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 1.257 thành viên, tiết kiệm trên 3,4 tỷ đồng; mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch trong xây dựng NTM” với sự tham gia của 8.898 gia đình hội viên; mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn quả”; “Hàng rào xanh”; “Con đường hoa”; thành lập các tổ tự quản đường giao thông; thu gom rác thải bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, mô hình “Quân đội chung sức xây dựng NTM” của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả rất tốt khi huy động được 17.203 ngày công, hỗ trợ khoảng 5,8 tỷ đồng, làm 131,1 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa trường học, nhà ở cho hộ nghèo…  

Phong trào xây dựng NTM còn gắn với cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo động lực để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thị xã An Khê và Ayun Pa đã thẩm tra đạt kết quả xây dựng NTM năm 2019 và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ công nhận. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 41 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn NTM…

Ông Rơ Châm Nhing-Bí thư Chi bộ làng Hreng-cho hay: “Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, bà con trong làng rất phấn khởi và tích cực tham gia các phong trào do cấp trên phát động. Người dân tích cực dọn dẹp rác thải trên các trục đường làng; trồng cây xanh và hoa; xây dựng nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh... cùng chung sức đóng góp ngày công để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Lan tỏa phong trào xây dựng NTM

Phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” đã mang lại sự đổi thay mạnh mẽ ở các vùng nông thôn của tỉnh. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được triển khai, giúp người dân mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: “Là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh, những năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, người dân trong huyện còn bỡ ngỡ. Qua tuyên truyền, vận động gắn với các phong trào thi đua, đến nay, hầu hết người dân đã thay đổi nhận thức và xác định mình là chủ thể thực hiện và thụ hưởng lợi ích nên rất tích cực tham gia. Đặc biệt, từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, diện mạo nông thôn đã khởi sắc rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, các mô hình phát triển kinh tế được triển khai giúp người dân áp dụng vào sản xuất. Đến nay, huyện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM. Đây sẽ là bước tạo đà quan trọng để đẩy nhanh thực hiện chương trình xây dựng NTM trong những năm tới”.

Người dân làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) dọn vệ sinh trên tuyến đường chính vào làng. Ảnh: N.D
Người dân làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) dọn vệ sinh trên tuyến đường chính vào làng. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 1827/UBND-NL gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT về đăng ký mục tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 120 xã đạt chuẩn NTM; 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đạt được kết quả như hôm nay là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức của đoàn thể các cấp; sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội, doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân tạo bước đột phá trong thực hiện. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các xã thực hiện theo nhiệm vụ phân công. Cơ chế chính sách trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện tốt hơn so với giai đoạn 2010-2015 như phát triển hợp tác xã, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng NTM được triển khai sâu rộng đến từng thôn, làng và người dân, phát huy tốt hiệu quả”.  

Cũng theo ông Có, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ về xây dựng NTM; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Rà soát mục tiêu giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn, triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng NTM.

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.