Chư Prông quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã vận động, hướng dẫn nông dân chuyển hàng ngàn héc ta hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả, cà phê, rau màu... giúp người dân có thu nhập
ổn định.   


Năm 2016, gia đình ông Hoàng Xuân Thanh (thôn Hoàng Tiên, xã Ia Phìn) gom góp hơn 400 triệu đồng để chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng gần 2.000 trụ hồ tiêu. Thế nhưng, mùa mưa năm 2018 kéo dài hơn 2 tháng đã làm cho toàn bộ vườn hồ tiêu bị chết.

Ông Thanh cho hay: “Để giải quyết khó khăn trước mắt và có tiền trả lãi ngân hàng, tôi đã tận dụng trụ tiêu làm giàn trồng chanh dây. 1 ha chanh dây cũng cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Đồng thời, tôi từng bước chuyển diện tích hồ tiêu chết còn lại sang trồng mít, sầu riêng, chuối. Đến nay, cây chuối bắt đầu cho thu hoạch, còn sầu riêng và mít thì 2 năm nữa sẽ có thu hoạch”.  

 Theo quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu rau, hoa, cây ăn quả trên địa bàn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2040, huyện Chư Prông ổn định diện tích rau 2.300 ha, cây ăn quả khoảng 4.000 ha vào năm 2025.
Ông Hoàng Xuân Thanh (thôn Hoàng Tiên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) chăm sóc vườn cây ăn quả được chuyển đổi trên diện tích hồ tiêu bị chết. Ảnh: Lê Nam


Mùa mưa năm 2018, xã Ia Phìn có hơn 226 ha hồ tiêu bị chết, trong đó có hơn 172 ha trồng xen trong vườn cà phê và hơn 54 ha trồng thuần. Ông Ngô Anh Tuấn-công chức Nông nghiệp xã-thông tin: “Đối với diện tích hồ tiêu bị chết trồng xen trong vườn cà phê, người dân đã nhổ bỏ trụ và tiếp tục chăm sóc cà phê. Còn diện tích hồ tiêu trồng thuần bị chết, người dân cơ bản đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu và chanh dây”.

Tương tự, 2 năm trước, xã Ia Drăng cũng có gần 230 ha hồ tiêu bị chết sau mùa mưa. Đến nay, người dân đã chủ động chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Ông Đồng Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: “Năm đó, nhà tôi cũng có hơn 1 ha hồ tiêu bị chết nên đã chuyển sang trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP. Qua thời gian chăm sóc, tôi thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với việc phát triển cây ăn quả. Đến nay, vườn ổi của gia đình đã cho thu hoạch và bán được 5-6 triệu đồng/tháng”.  

Cũng theo ông Hùng, hàng năm, Hội Nông dân xã đã tăng cường tuyên truyền, định hướng cho hội viên mở rộng diện tích. Trong đó, đối với những diện tích đảm bảo nguồn nước có thể trồng lại cây cà phê hoặc cây ăn quả, rau màu. Riêng đối với diện tích đất đồi dốc, xa nguồn nước thì chuyển đổi qua trồng điều. Hội cũng đang tính tới phương án đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho hay: Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê hoặc trên diện tích hồ tiêu bị chết cho thấy, các loại cây này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đối với những diện tích đã cho thu hoạch thì hiệu quả kinh tế rất cao như: sầu riêng khoảng 500 triệu đồng/ha, cây bơ khoảng 400 triệu đồng/ha, mít khoảng 250 triệu đồng/ha, chanh dây trên 200 triệu đồng/ha và thu nhập từ các loại rau màu được khoảng 150 triệu đồng/ha.

“Phòng đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai để thống nhất liên kết phát triển vùng chuyên canh bắp ngọt và chanh dây”-ông Luyến cho biết thêm.         

GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.