Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thông qua, nông dân tiết kiệm 7.000 tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với 94,41% đại biểu tán thành, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.



Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sẽ kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2025.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.


 

Nông dân sẽ tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Trong ảnh: Thu hoạch lúa hè thu ở Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây.
Nông dân sẽ tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Trong ảnh: Thu hoạch lúa hè thu ở Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây.



Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp với quy định của pháp luật và thể hiện rõ chính sách miễn, giảm thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Về vấn đề này, ông Hải cho rằng, trước mắt để đảm bảo thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết để kéo dài việc thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua đến hết năm 2025.

Một số ý kiến đề nghị rà soát đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó đề nghị nghiên cứu các đối tượng còn lại thuộc diện nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác trực tiếp sản xuất, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất được nhà nước giao cho đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng giảm 100% thay vì chỉ 50% như hiện nay.

Ông Hải cho biết, theo quy định hiện hành (tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội) thì trường hợp đối tượng trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất giao cho đơn vị lực lượng vũ trang đều được miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất được giao.

 

 Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giúp nông dân tiết kiệm 7.000 tỷ đồng/năm. Ảnh: Thanh Cường.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giúp nông dân tiết kiệm 7.000 tỷ đồng/năm. Ảnh: Thanh Cường.



Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục ban hành chính sách thuế đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thực sự thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; miễn, giảm các loại thuế, kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm được chế biến, liên kết chế biến sản phẩm nông nghiệp đã được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Theo ông Hải, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã quy định miễn thuế đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã.

Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp ở địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.

Đồng thời, quy định mức thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% (thuế suất phổ thông là 20%) đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản ở địa bàn khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi;...

Bên cạnh đó, trong thời gian qua đã rà soát bãi bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm thủ tục hành hành chính, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

"Các chính sách về thuế, phí và lệ phí đã góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp" – ông Hải khẳng định

Đối với những lo ngại việc kéo dài chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ làm mất chức năng của thuế sử dụng đất nông nghiệp, gây ra tình trạng hoang hóa ruộng đất, theo ông Hải, thực tế quá trình sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất.

Tuy nhiên, việc không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa có nhiều nguyên nhân chủ yếu khác, như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, sản phẩm không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động và một phần cũng do chính sách về đất đai chưa thật hoàn thiện.

"Việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2025 là nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân" – ông Hải khẳng định.


 

https://danviet.vn/nghi-quyet-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-duoc-thong-qua-nong-dan-tiet-kiem-7000-ty-20200610154235778.htm

Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.