Ổn định cuộc sống nhờ canh tác rau màu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đang mùa nắng hạn nhưng nhiều ruộng rau trên các cánh đồng như Ia Lâm, Ia Chơl (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), Ia Kut (thị trấn Đak Đoa), Ia Kil (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) vẫn xanh mướt.
Vợ chồng ông Ksor Bát (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã gần 70 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ trồng trỉa, chăm sóc, thu hoạch rau. Ông Bát tươi cười bộc bạch: “Gia đình mình có 7 người sinh sống nhờ vào 1 ha cà phê, 4 sào lúa nước và 1 sào rau. Mấy năm nay, giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh, gia đình mình tập trung trồng rau cải, rau súp lơ, bí đỏ... để ăn và bán. Làm rau tốn nhiều công sức hơn các loại cây khác nhưng thu nhập tương đối ổn định. Có đất trồng rau quanh năm, nhà mình không phải đi làm thuê, không phải thiếu đói vào mùa giáp hạt”. 
Theo anh Rơ Châm Xuân-Công an viên xã Ia Dêr, làng Brel hiện có hơn 160 hộ, chủ yếu là đồng bào Jrai. Bà con trồng lúa và rau trên cánh đồng Ia Lâm, Ia Chơl. Các hộ ông Ksor Bát, ông Puih Glê, ông Rơ Mah Tuấn, bà Puih H’Nil, bà Ksor H’Trang, bà Rơ Mah H’Dul... thu nhập khá ổn định từ việc trồng rau.
 Người dân chăm sóc rau tại cánh đồng Ia Kut (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa). Ảnh: H.C
Người dân chăm sóc rau tại cánh đồng Ia Kut (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa). Ảnh: H.C
Hiện nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết đa dạng hóa cây trồng gắn với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, lại dễ canh tác. Đơn cử như dân làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) nhiều năm nay đã biết tận dụng lợi thế đất đai để  trồng rau góp phần tăng thu nhập gia đình. Nhờ dự án sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi A Dơk mà hệ thống kênh mương kiên cố bằng bê tông cốt thép dẫn nước tưới vào các cánh đồng Ia Kut, Ia Kil. Chủ động nước tưới nên bà con có thêm điều kiện thuận lợi để thâm canh các loại rau màu. Anh Liynh (làng Piơm) hồ hởi: “Nhờ sự đầu tư của Nhà nước mà làng mình có con đường mới và có nguồn nước tưới rau màu. Từ Tết Nguyên đán đến nay,  nhà mình có rau ăn thoải mái. Nhà ông Tuing, ông Nhớt, ông Lik, bà Linh, bà Khil... thì mỗi đợt rau thu hoạch bán hơn 15 triệu đồng mỗi nhà”.
Chị Y Nil (làng Piơng, xã A Dơk) cho hay: “Có kênh mương nội đồng dẫn nước vào cánh đồng Ia Kil nên mình trồng khoảng 200 m2 rau. Vừa rồi, mình bán được hơn 10 triệu đồng, mua được mấy tạ gạo”.
Trao đổi với P.V,  ông Lê Trọng Đoàn-Chủ tịch UBND xã A Dơk-cho biết: “Từ khi thủy lợi A Dơk được nâng cấp và đường liên xã A Dơk-thị trấn Đak Đoa hoàn thành, bà con trong vùng rất phấn khởi yên tâm sản xuất. Nhiều hộ ở làng Piơng đã chủ động đào ao tích nước, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng luân canh các loại rau màu để cải thiện đời sống”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.