Vụ Đông Xuân 2019-2020: Chú trọng chuyển đổi cây trồng trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng thời tiết thuận lợi, nông dân một số địa phương trong tỉnh Gia Lai đã chủ động gieo sạ lúa nước vụ Đông Xuân 2019-2020. Ở một số vùng khác, bà con cũng đang làm đất, chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp để sẵn sàng gieo trồng theo kế hoạch nhằm tránh hạn cuối vụ.
Tập trung chuyển đổi cây trồng
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2020 phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm 15-30%, lưu lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình cùng kỳ từ 10 đến 35%, cá biệt một số sông thấp hơn 50%. Vì vậy, để chủ động sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, các địa phương đã rà soát, đánh giá diện tích gieo trồng, những khu vực thường xuyên bị hạn thì vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng khoảng 69.500 ha cây trồng các loại. Trong đó, nhóm cây lương thực 30.370 ha, cây tinh bột có củ 11.000 ha, cây thực phẩm 15.600 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 9.330 ha. Để vụ Đông Xuân đạt được những kết quả tốt, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã định hướng và xây dựng lịch gieo trồng từng khu vực. Cụ thể, ở phía Tây tỉnh, những chân ruộng chủ động về nước tưới nên xuống giống trong khung thời vụ từ ngày 1-12 đến 20-12; phía Đông và Đông Nam tỉnh xuống giống đại trà từ ngày 20-12 đến ngày 20-1-2020. Nông dân nên sử dụng các giống lúa nước chủ lực từ nhiều năm nay như: OM4900, HT1, Ma Lâm 48, DV108…
 Nạo vét kênh mương công trình thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: N.D
Nạo vét kênh mương công trình thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: N.D
Đang chăm sóc 8 sào khoai lang Nhật mới trồng, bà Đoàn Thị Loan (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Cánh đồng này rộng khoảng 10 ha, bà con chủ yếu sản xuất lúa nước vụ mùa còn vụ Đông Xuân chuyển sang trồng các loại rau màu và khoai lang Nhật bởi nguồn nước tưới không đảm bảo, dễ bị thiếu vào cuối vụ”. Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Đức Lợi (cùng thôn) cũng đang trồng rau màu trên diện tích 4 sào lúa nước vừa thu hoạch. Theo ông Lợi, vụ Đông Xuân, hầu hết người dân ở đây đều chuyển sang trồng rau màu để tránh bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Bởi lẽ, đến giai đoạn cận Tết Nguyên đán, nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi thường thiếu hụt, khó đáp ứng tưới đến cuối vụ.
Đặc biệt, nhằm tránh hạn cuối vụ, người dân một số vùng đã chủ động gieo sạ lúa nước sớm hơn so với lịch thời vụ. Điển hình như tại cánh đồng lúa nước xã Ia Lâu (huyện Chư Prông), nơi từng là rốn hạn, khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai tuyên truyền, vận động, người dân đã gieo sạ đồng loạt và sớm hơn so với lịch thời vụ nên không còn lo hạn hán gây thiệt hại.   
Tại huyện Đak Pơ, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có mưa đều. Lượng nước tại các công trình thủy lợi và ao, bàu, đập đã dâng cao. Người dân đang chủ động làm đất chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020. Ngành nông nghiệp phối hợp cùng các xã đang tập trung rà soát các khu vực sản xuất thường xuyên bị hạn để chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng khảo nghiệm 2 sào rau chân vịt tại xã Tân An. Công ty hỗ trợ giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên diện tích này. Nếu thành công, huyện sẽ nhân rộng ra 50 ha trong thời gian tới.
Chủ động phòng-chống hạn
Ông Hoàng Bình Yên-Trưởng phòng Quản lý nước (Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai) cho hay: Đến nay, các hồ chứa do đơn vị quản lý cơ bản đã tích đủ dung tích chứa đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020. Để đáp ứng nhu cầu tưới từ nay đến cuối vụ, Công ty đã khuyến cáo nông dân các địa phương sử dụng nguồn nước từ công trình đập dâng nên chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn tốt và sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt, người dân nên đẩy lịch thời vụ sản xuất sớm hơn so với truyền thống nhằm tránh hạn cuối vụ. Bên cạnh đó, Công ty đang tập trung nhân lực tu sửa, nạo vét kênh mương; kiên cố hóa hệ thống kênh chính và một số tuyến kênh khác của công trình thủy lợi Ayun Hạ nhằm đảm bảo nước tưới cho người dân sản xuất.
Trao đổi với P.V, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-thông tin: Trước những diễn biến khó lường của thời tiết trong vụ Đông Xuân 2019-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã định hướng và khuyến cáo các địa phương chủ động sản xuất theo khung lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng phù hợp; rà soát, khoanh vùng diện tích gieo trồng lúa nước và chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; đánh giá trữ lượng nguồn nước tưới từ các sông, suối, hồ, đập. Bên cạnh đó, các địa phương cần kiên quyết không cho người dân gieo sạ trên diện tích không đảm bảo nguồn nước tưới; rà soát nguồn lực cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng nhu cầu cho người dân sản xuất. Đặc biệt, nông dân cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cuối vụ, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.