Krông Pa: Nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua gần 2 năm triển khai, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi hươu sao phát triển kinh tế hộ gia đình” trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai bước đầu đã mang lại hiệu quả. Những gia đình tham gia mô hình đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nhung hươu và hươu con.
Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung được Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa triển khai từ năm 2017 cho 5 hộ dân ở xã Chư Ngọc, Phú Cần và thị trấn Phú Túc. Với 10 cặp hươu giống cấp ban đầu (10 con đực và 10 con cái), những gia đình tham gia mô hình đã có nguồn thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng/năm từ việc bán nhung hươu và hươu con.
Ông Nguyễn Trung Lành (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, cuối năm 2017, gia đình ông được cấp 2 cặp hươu giống (dự án hỗ trợ 50% kinh phí). Đến cuối năm 2018, cặp hươu đực giống đã cho nhung, 2 con hươu cái đẻ được 2 hươu con. Hiện nay, đàn hươu của gia đình ông đã phát triển thành 6 con.
“Nuôi hươu sao ít tốn công chăm sóc, phần thức ăn của 6 con hươu này chỉ bằng 1 con bò. Sau hơn 1 năm nuôi, hươu đực giống (khoảng 30-35 kg/con) sẽ trưởng thành và bắt đầu cho nhung. Ngoài 200 gram nhung hươu thu lứa đầu tiên, giữa năm 2019, gia đình tôi cắt nhung lần thứ 2 được 700 gram. Với giá 2 triệu đồng/100 gram, gia đình tôi thu được 14 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng chuồng trại và gắn bó lâu dài với nghề này”-ông Lành chia sẻ.
 Các hộ tham gia mô hình nuôi hươu sao lấy nhung trên địa bàn huyện Krông Pa có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 20 triệu đồng. Ảnh: N.N
Các hộ tham gia mô hình nuôi hươu sao lấy nhung trên địa bàn huyện Krông Pa có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 20 triệu đồng. Ảnh: N.N
Theo ông Lành, trước đây, gia đình ông từng nuôi bò, heo, dê nhưng vật nuôi hay bị bệnh, giá cả bấp bênh nên lời lãi chẳng đáng là bao. Ông Lành nhận định, nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả gấp nhiều lần so với vật nuôi khác. Hơn nữa, hươu ít bị dịch bệnh, thức ăn hàng ngày chỉ là lá cây, cỏ voi và bắp.
Tương tự, ông Hà Văn Vinh (thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) khẳng định, nuôi hươu rất nhàn, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 15 phút cắt cỏ cho ăn. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ giống cỏ voi nên gia đình ông trồng xung quanh nhà cũng đỡ tốn công đi kiếm lá, cỏ cho hươu. “Trừ những lúc hươu đực bắt đầu mọc nhung cần chế độ chăm sóc đặc biệt để nhung đạt trọng lượng, chất lượng thì mới cho chúng ăn thêm bắp. Còn sau khi cắt nhung, hươu chỉ cần ăn cây cỏ bình thường”-ông Vinh chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Vinh cho biết, cặp hươu đực giống của gia đình ông đã thu hoạch lứa nhung đầu tiên được 400 gram, lứa thứ 2 dự kiến được khoảng 500 gram. Ngoài ra, giá hươu con hiện nay khoảng 10 triệu đồng/con. Nếu bán 2 con hươu vừa đẻ cách đây tròn tháng, gia đình ông có thêm khoản thu nhập 20 triệu đồng. Cũng theo ông Vinh, nhung hươu là dược liệu quý, được người tiêu dùng ưa chuộng nên không đủ đáp ứng. Từ hiệu quả này, ông và các gia đình tham gia mô hình dự kiến sẽ mở rộng quy mô đàn hươu của mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa: “Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đã mang lại hiệu quả bước đầu. Hươu cái giống đã sinh sản lứa 2 và hươu đực giống cho nhung lần 2 (chưa tính con đẻ năm đầu chuẩn bị cho nhung). Với trọng lượng 400-500 gram/cặp nhung (giá thị trường 20 triệu đồng/kg); hươu con có giá 10 triệu đồng/con, mỗi gia đình tham gia mô hình sẽ có thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng/năm. Từ đây, chúng tôi sẽ tuyên truyền, tổ chức cho người dân tham quan mô hình để bà con học tập, lựa chọn hướng chăn nuôi mới. Đồng thời, chúng tôi sẽ định hướng cho nhiều hộ gia đình tham gia nuôi và có thể phát triển thành phong trào trên địa bàn huyện”.
Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa khẳng định, dự án nuôi hươu phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. “Do vậy, về lâu dài, huyện khuyến khích các hộ gia đình mở rộng, nhân đàn để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đồng thời đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện tạo điều kiện về kinh phí để dự án được nhân rộng trong những năm tiếp theo”-ông Vân cho hay.
 NGUYỄN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.