Ia Grai: "Gắn sao" cho sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Ia Grai (Gia Lai) đang hoàn tất thủ tục để gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh công nhận và “gắn sao” cho các sản phẩm OCOP của địa phương trong năm 2019.
Theo kế hoạch giai đoạn 2019-2020 huyện Ia Grai có từ 2 sản phẩm trở lên được chứng nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn và thông báo cho các địa phương tiến hành đăng ký sản phẩm tham gia. Ngoài ra, huyện chủ động tổ chức phiên chợ nông sản an toàn để vừa giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của người dân, vừa lựa chọn ra những sản phẩm tốt để tham gia Chương trình OCOP năm 2019 và những năm tiếp theo.
Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP năm 2019 của huyện Ia Grai họp chấm điểm các sản phẩm. Ảnh: L.N
Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP năm 2019 của huyện Ia Grai họp chấm điểm các sản phẩm. Ảnh: L.N
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Ia Grai-cho biết: “Ngày 4-10, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP của huyện tổ chức đánh giá 2 sản phẩm tham gia OCOP năm 2019 gồm: mật ong Phương Di (Hợp tác xã Mật ong Phương Di, xã Ia Dêr) và mật ong hoa cà phê (Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai, xã Ia Krai). Việc đánh giá, chấm điểm các sản phẩm này được chúng tôi dựa trên Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 20-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 2 sản phẩm đều được Hội đồng chấm đạt hơn 70 điểm (tương đương đạt 4 sao). Hiện chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ gửi lên Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh để tiếp tục đánh giá và công nhận cho sản phẩm OCOP của huyện”.    
Bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Phương Di-cho hay: Khi cơ quan chức năng của huyện và UBND xã thông báo, tuyên truyền về Chương trình OCOP, Hợp tác xã đã đăng ký tham gia với sản phẩm mật ong. Đây là sản phẩm được Hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm bước đầu đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc và được thị trường đón nhận. Hy vọng sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, Hợp tác xã sẽ có thêm điều kiện quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Ngoài ra, Hợp tác xã đang nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm từ mật ong dựa trên những bài thuốc dân gian nhằm mang lại giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng như: mật ong, viên tinh nghệ mật ong, chuối sấy mật ong, chanh đào mật ong, tắc mật ong”-bà Hoàng Anh cho biết thêm.
Còn ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai thì thông tin: Công ty được thành lập năm 2009. Khi mới thành lập, Công ty có 200 đàn ong, đến nay đã tăng lên hơn 2.000 đàn. Ngoài ra, Công ty đã liên kết với các hộ ở xã Ia Krai (huyện Ia Grai) nuôi khoảng 10.000 đàn ong và các hộ dân tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) nuôi khoảng 15.000 đàn ong. Đối với những hộ liên kết, Công ty đều hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay, 80% sản phẩm của Công ty được xuất ra thị trường nước ngoài, còn lại là tiêu thụ trong nước. Trung bình sản lượng mỗi năm đạt 700-1.000 tấn mật. “Thông qua Chương trình OCOP, Công ty cũng mong muốn quảng bá thêm thương hiệu sản phẩm mật ong hoa cà phê của huyện Ia Grai nói riêng và Gia Lai nói chung. Về lâu dài, Công ty sẽ mở rộng thêm thị trường và phát triển bền vững sản phẩm mật ong hoa cà phê”-ông Dân chia sẻ.
Theo ông Đào Lân Hưng, mặc dù huyện đã chọn được 2 sản phẩm OCOP và cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng đây là chương trình mới nên việc triển khai còn nhiều bỡ ngỡ, chưa phát huy hết hiệu quả. Thế mạnh của huyện là sản xuất cà phê nhưng những sản phẩm từ cà phê năm nay chưa có cá nhân, đơn vị nào đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Nguyên nhân là vì phần lớn sản phẩm từ cà phê của người dân, doanh nghiệp chưa được chế biến sâu và chưa đủ mạnh. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khích lệ các cá nhân, tổ chức kinh tế mạnh dạn đăng ký tham gia Chương trình OCOP với các sản phẩm từ cà phê và cây ăn quả.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.