Cải thiện yếu tố con người trong chuỗi giá trị nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế khi tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Một trong số đó là yếu tố con người. Cụ thể, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu nông sản của nước ta đang vừa thiếu, vừa yếu.
Ảnh internet
Ảnh internet
Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu do khâu chế biến, bao bì và các hoạt động thương mại. Đó là phần “giá trị gia tăng” của chất xám, của công nghệ, đòi hỏi phải có lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng. Khi không có đủ nguồn nhân lực ấy, Việt Nam vẫn phải xuất thô sản phẩm nông nghiệp, phần lợi nhuận thu được rất thấp. Mặc dù nông sản Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thế giới nhưng có đến 80% phải thông qua các thương hiệu nước ngoài bởi chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu. Do đó, có thể nói, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị gia tăng ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Nông dân chúng ta cần cù đầu tắt mặt tối sản xuất ra nông sản. Nhưng phần có thể thu lợi nhuận cao nhất lại không thuộc về nông dân, cũng chưa thuộc về doanh nghiệp và cuối cùng, Nhà nước vẫn thu được ít nhất từ xuất khẩu nông sản. Nhiều khi chúng ta làm mà người ngoài, cụ thể là người nước ngoài lại hưởng lợi nhiều nhất. Đó là một nghịch lý đau lòng, nhưng làm sao được khi nguồn nhân lực chất lượng cao trên các khâu từ sản xuất tới làm thương hiệu, đưa sản phẩm ra thế giới của chúng ta vẫn còn quá yếu. 
Cho tới bây giờ, Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng với việc làm chủ công nghệ cao, đặc biệt là trong sản xuất và xuất khẩu nông sản. Đã là chuỗi giá trị thì bất cứ khâu nào trong chuỗi ấy đều có giá trị riêng, đều yêu cầu phải được điều hành và thực hiện bởi những người có trình độ, có kỹ năng và thành thạo với công nghệ. Ngay khâu marketing sản phẩm nông nghiệp, chúng ta cũng làm rất yếu. Vậy thì làm sao sản phẩm của chúng ta trực tiếp tới được người tiêu dùng thế giới. Nếu phải qua các khâu trung gian nước ngoài, lợi nhuận chia năm xẻ bảy thì phần của người sản xuất, của quốc gia còn được bao nhiêu?
Vì lẽ đó, khâu yếu nhất và cần sự đào tạo đồng bộ ở tầm quốc gia chính là nguồn nhân lực trình độ cao thực sự, chứ không phải “trình độ… bằng cấp”. Và nhân lực trình độ cao trong chuỗi xuất khẩu nông sản phải đồng bộ ở tất cả các khâu, chứ không chỉ trong khâu sản xuất sản phẩm.
Các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam phải có những chương trình đào tạo thực chất, hiệu quả để tạo được nguồn nhân lực trình độ cao. Giữa các trường đại học cũng cần có sự trao đổi thường xuyên để “sản phẩm nhân lực” của mình đào tạo ra được tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nhất trong thực tế. Không có nguồn nhân lực trình độ cao thực sự ấy thì đừng nói đến “công nghiệp 4.0”, vì nền công nghiệp này, cuộc cách mạng này chủ yếu do “lực lượng cách mạng trình độ công nghệ cao” thực hiện. 
 THANH THẢO
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.