Đak Đoa: Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu hút người dân tham gia, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Theo thống kê của UBND huyện Đak Đoa, đến cuối năm 2018, toàn huyện có 12 HTX, trong đó có 8 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Thời gian qua, các cấp, các ngành của huyện đã tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật HTX năm 2012 đến các HTX; xây dựng các chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển tốt, hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo kinh tế tập thể theo dõi và nắm bắt hoạt động của các HTX để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; xuất kinh phí hỗ trợ mỗi HTX thành lập mới 10 triệu đồng, tạo động lực cho các HTX phát triển ổn định, thu hút người dân tham gia…
  Giám đốc Trịnh Khắc Dương bên khu vực nhà máy chế biến cà phê nhân của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong. Ảnh: N.D
Giám đốc Trịnh Khắc Dương bên khu vực nhà máy chế biến cà phê nhân của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong. Ảnh: N.D
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong (xã Đak Krong) được thành lập vào năm 2018. Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX-cho biết: “Hợp tác xã hiện có 13 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung là mua bán, ký gửi và chế biến cà phê nhân cho người dân trên địa bàn xã. Các thành viên góp vốn xây dựng nhà xưởng, sân phơi và mua máy móc… Qua 1 năm hoạt động, HTX lãi được 15 triệu đồng. Con số này chưa nhiều song đã tạo được niềm tin cho người dân với HTX”. Cũng theo ông Dương, khó khăn nhất hiện nay của HTX là chưa được giao đất cũng như tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Luật HTX năm 2012 để hoạt động. Dù vậy, trong thời gian tới, HTX dự kiến sẽ phát triển thêm mô hình nuôi trồng thủy sản và sản xuất cà phê theo hướng bền vững, tạo năng suất và sản lượng ổn định phục vụ chế biến…
Ông Hoàng Văn Anh (thôn 5, xã Đak Krong) cho hay: “Gia đình tôi có 2 ha đất trồng cà phê từ nhiều năm nay. Trước đây, cà phê sau khi thu hoạch phải đem ký gửi ở các đại lý, doanh nghiệp tư nhân bên ngoài vì gia đình không có kho bãi. Nay trên địa bàn đã có HTX nên gia đình chủ động gửi 4 tấn cà phê nhân cho HTX mà không phải vận chuyển đi xa và có thể giám sát trong thời gian ký gửi”.
Không chỉ HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong, một số HTX khác mới thành lập trong năm 2018 ở huyện Đak Đoa cũng đang chủ động tìm hướng đi phù hợp với thực tế của địa phương để thu hút người dân cùng tham gia phát triển kinh tế tập thể. Mặc dù vậy, theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, hoạt động của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn như hiệu quả kinh tế chưa cao, lợi ích mang lại cho các thành viên chưa nhiều, do đó chưa thu hút người dân tham gia. Bên cạnh đó, các HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để vay vốn hoặc huy động vốn từ các thành viên; phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX chưa phù hợp để tạo sự liên kết bền vững giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp, chưa kết nối thị trường nông sản… Đặc biệt, các HTX vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ vay vốn, khoa học công nghệ… Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân về kinh tế tập thể chưa đầy đủ và chưa thấy được tầm quan trọng của HTX kiểu mới. Bên cạnh đó, một số chủ trương, chính sách hỗ trợ HTX còn triển khai chậm, chưa sát với thực tế như chính sách đất đai, tín dụng; quy mô hoạt động của các HTX còn nhỏ lẻ; hiệu quả của HTX còn quá thấp nên người dân chưa mặn mà tham gia.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong thời gian tới, để giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; hướng dẫn các HTX đổi mới tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung củng cố các HTX yếu kém, giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả, lựa chọn những HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt xây dựng mô hình điểm để nhân rộng nhằm thu hút người dân tham gia. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…”.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.