Ia Pa tập trung chống hạn cho lúa Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phần lớn diện tích lúa Đông Xuân của huyện Ia Pa, Gia Lai nằm trong vùng tưới của các công trình thủy lợi vẫn đang phát triển tốt. Tuy nhiên, một số diện tích không chủ động nước tưới đã bị khô hạn nặng khiến nông dân rất lo lắng.
Canh nước cứu lúa
Hiện nay, nhiều diện tích lúa trên cánh đồng sau lưng thôn Bi A (xã Ia Tul) đã khô rốp. Tại nhiều chân ruộng cao, lúa đã chuyển sang màu vàng quạch vì cháy nắng. Ông Rô Suinh (thôn Blanh, xã Ia Tul) cùng 2 người con rể rải ống máy bơm dài hơn 100 m từ vũng nước cạn để bơm tưới cho đám ruộng hơn 5 sào của gia đình. Ruộng lúa của gia đình ông Suinh gieo sạ đã hơn 1 tháng nhưng mới chỉ cao hơn gang tay, ngả màu vàng vì thiếu nước. Ông Suinh ngán ngẩm cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán đến giờ, tôi phải canh nước bơm tưới đến 3 lần rồi, mỗi lần mất gần 15 lít xăng, hết 300.000 đồng mà lúa vẫn không đủ nước”.
Gần đó, anh Ksor Péo (cùng ở thôn Blanh) cũng đang loay hoay sửa máy bơm để dẫn nước vào ruộng cứu lúa. “Cánh đồng này do người dân 2 xã Ia Broăi và Ia Tul cùng sản xuất. Nhiều ruộng lúa nằm cuối cánh đồng, nước thủy lợi không đến được đã bị hạn nặng. Đã 3 tháng rồi không có mưa, ao hồ cạn nước. Người dân phải tự khoan giếng hoặc dùng máy bơm điện, bơm xăng rồi canh nước mạch rỉ ra từ các hố trũng để dẫn về cứu lúa”-anh Péo nói.
 Cha con ông Rô Suinh kéo ống bơm nước cứu lúa. Ảnh: Đ.P
Cha con ông Rô Suinh kéo ống bơm nước cứu lúa. Ảnh: Đ.P
Đi dọc đường Đông sông Ba lối dẫn qua xã Ia Tul thấy các cánh đồng hai bên chằng chịt dây điện do người dân kéo ra để bơm nước cứu lúa. Hàng loạt giếng khoan ngay trên ruộng do người dân tự làm để lấy nước chống hạn cho lúa cũng đang hoạt động hết công suất. Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: Khoảng hơn chục héc ta lúa Đông Xuân bị khô hạn là do nằm ngoài vùng tưới của các trạm bơm điện. Diện tích này huyện đã không đưa vào kế hoạch sản xuất nhưng người dân vẫn cứ gieo sạ nên không chủ động được nước tưới và bị khô hạn. 
Tưới luân phiên để tiết kiệm nước
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho hay, vụ Đông Xuân 2018-2019, toàn huyện gieo sạ được 2.810 ha lúa nước. Trong đó, 1.410 ha lúa ở xã Ia Trok và Ia Ma Rơn chủ động nước tưới từ hệ thống kênh mương thủy lợi Ayun Hạ; 1.400 ha lúa sử dụng nước tưới của 15 trạm bơm điện ở các xã còn lại. Do mùa mưa năm ngoái kết thúc sớm nên dự báo trên địa bàn huyện Ia Pa sẽ gặp nắng hạn vào cuối vụ Đông Xuân. “Để chủ động ứng phó với tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, hợp tác xã và khuyến cáo nông dân xuống giống lúa Đông Xuân sớm 1 tháng so với lịch sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT đưa ra. Cùng với đó, đây là năm đầu tiên huyện xây dựng lịch bơm tưới luân phiên cho 15 trạm bơm điện trên địa bàn để chủ động nguồn nước tưới và tiết kiệm nước. Nhờ đó, đến nay, hầu hết diện tích lúa nằm trong kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân của huyện đang phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn trổ đòng”-ông Hùng nói.
Về một số diện tích lúa thiếu nước tưới cục bộ, ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: Toàn xã có 320 ha lúa nước được tưới bởi 3 trạm bơm điện. Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, mất 2-3 ngày các công trình thủy điện ở đầu nguồn sông Ba không xả nước nên mực nước sông xuống thấp, các trạm bơm không hoạt động được, gây nên tình trạng thiếu nước tưới cục bộ. Sau đó, khi thủy điện ở thượng nguồn xả nước thì đất cát bồi lấp đầu hút khiến trạm bơm số 2 phải dừng hoạt động để khắc phục. Xã đang chuẩn bị thuê máy múc nạo vét để dẫn nước vào trạm bơm số 2 tưới cho 67 ha lúa đang làm đòng. Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 40-50 ha lúa Đông Xuân ở vùng cao, cuối kênh trạm bơm số 1 và số 2 báo động sẽ thiếu nước tưới trong vài ngày tới.
Vụ sản xuất Đông Xuân ở Ia Pa cũng như các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đang gặp những bất lợi từ thời tiết. Nếu trời nắng nóng kéo dài thì dự báo đến cuối vụ, khả năng sẽ thiếu nước tưới, nhiều diện tích cây trồng sẽ bị khô hạn.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.