Ia Grai: Đẩy mạnh công tác khuyến nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO- Những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai (Gia Lai) chú trọng triển khai công tác khuyến nông cùng các chương trình hỗ trợ sản xuất nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương theo hướng bền vững.
Nhiều mô hình hiệu quả
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: “Để góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT huyện kết hợp nhiều nguồn lực và chính sách đầu tư phát triển sản xuất, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương; chú trọng phát triển sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả”.   
 Huyện Ia Grai chú trọng triển khai các mô hình khuyến nông. Ảnh: T.N
Huyện Ia Grai chú trọng triển khai các mô hình khuyến nông. Ảnh: T.N
Cũng theo ông Hưng, thời gian qua, huyện đã triển khai được gần 50 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, cùng các dự án hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng. Qua đó đã hỗ trợ cho hơn 11 ngàn lượt hộ nghèo và hộ khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. Riêng năm 2018, Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình khuyến nông với tổng kinh phí gần 6,4 tỷ đồng. Nhiều mô hình khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất trên cùng một đơn vị diện tích. 
Theo ông Mai Văn Hùng-nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, từ năm 2016 đến nay, huyện đã xây dựng một số mô hình khuyến nông tiêu biểu. Điển hình như dự án nâng cao năng suất lúa nước thực hiện tại 3 xã: Ia Dêr, Ia Sao, Ia O với quy mô 46 ha. Dự án đã đưa giống lúa HT1 có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất vụ mùa để dịch chuyển mùa vụ sản xuất Đông Xuân sớm hơn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong vụ mùa 2018, diện tích sử dụng giống HT1 là 200 ha, năng suất tăng trung bình 3 tạ/ha so với trước đó. Ngoài ra, huyện còn triển khai dự án nâng cao năng suất cà phê tại 2 xã: Ia Chía và Ia O với quy mô 7 ha/13 hộ tham gia. Dự án đã chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê vối bền vững đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao năng suất cà phê tại địa phương. Năm 2018, vườn trình diễn đã cho thu bói với năng suất khoảng 3 tấn nhân/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với năng suất trung bình cà phê kinh doanh trong vùng. Đến cuối năm 2018, mô hình đã nhân rộng được hơn 20 ha.
Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng mô hình trình diễn chương trình tái canh cây cà phê tại 2 xã: Ia Krai và Ia Hrung với quy mô 10 ha/21 hộ tham gia; tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao quy trình tái canh cà phê vối và các kiến thức liên quan đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê; xây dựng vườn cà phê tái canh mẫu để nông dân trong vùng học hỏi làm theo. Những ưu điểm của giống cà phê TRS1 được chọn là kháng được dịch bệnh, cho năng suất cao góp phần thực hiện thành công chương trình tái canh cà phê của huyện...
Nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: T.N
Nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: T.N
Khuyến nông gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác khuyến nông của địa phương thời gian tới, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình khuyến nông, gắn với xây dựng các chương trình, dự án sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khuyến cáo quy trình sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn đối với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa, hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã.
Cùng với các giải pháp trên, huyện cũng sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt kế hoạch tái canh cây cà phê, dự án VnSAT, tưới tiết kiệm và đề ra chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp.
Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.