Đức Cơ: Trồng đậu phộng trên đất lúa bị hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã tích cực triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa bị hạn nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong số này, mô hình trồng đậu phộng tại xã Ia Kriêng mở ra nhiều triển vọng.
Cuối năm 2018, xã Ia Kriêng được huyện Đức Cơ lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình trồng đậu phộng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả. Mô hình được thực hiện tại cánh đồng làng Pnuk có quy mô 1 ha với 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia (mỗi hộ 2 sào), tổng kinh phí thực hiện là 52 triệu đồng. Khi tham gia mô hình, người dân được tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc và được cấp giống, phân bón.
 Anh Rơ Mah Bri (làng Pnuk, xã Ia Kriêng) chăm sóc ruộng đậu phộng. Ảnh: P.N
Anh Rơ Mah Bri (làng Pnuk, xã Ia Kriêng) chăm sóc ruộng đậu phộng. Ảnh: P.N
Ông Mai Ngọc Lan-cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Cơ-cho biết: “Hàng tuần, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây đậu phộng. Đến nay, cây đậu phộng sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại. Hơn 1 tháng nữa, diện tích này sẽ cho thu hoạch”.
Gia đình anh Rơ Mah Bri (làng Pnuk) là một trong 5 hộ tham gia mô hình trồng đậu phộng. Những ngày này, anh Bri đang vun gốc cho những luống đậu phộng đã lên xanh tốt. Trước kia, gia đình anh trồng lúa trên diện tích đất này nhưng thường xuyên bị thiếu nước nên năng suất không cao. Khi tham gia mô hình trồng đậu phộng, anh cũng như các hộ dân khác đã thấy rõ những ưu điểm so với trồng lúa như: tốn ít nước tưới hơn, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Gia đình anh cũng áp dụng phương pháp tưới phun mưa để tiết kiệm nguồn nước, vừa chăm sóc cây đậu phộng tốt hơn. Tương tự, anh Ksor Khuyn (làng Pnuk) cũng cho biết: “Từ khi trồng đến nay, tôi thấy cây đậu phộng không cần tưới nhiều nước, chịu được hạn, chăm sóc đơn giản, ít tốn công. Tôi thấy rất yên tâm và phấn khởi vì đã tham gia mô hình này”.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Mah Tý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kriêng-cho biết: Qua khảo sát, xã Ia Kriêng hiện có gần 5 ha đất nông nghiệp không có khả năng sản xuất lúa nước. Diện tích này tập trung chủ yếu ở cánh đồng làng Pnuk. Ngoài 1 ha đã được thí điểm để chuyển đổi sang trồng đậu phộng, đối với những diện tích đất kém hiệu quả còn lại, người dân cũng mong muốn được các cơ quan chức năng của huyện hướng dẫn để chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa nước. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản dồi dào mà còn cải thiện nguồn dinh dưỡng trong đất, tiết kiệm được nguồn nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Cũng theo ông Rơ Mah Tý, mô hình trồng đậu phộng trên diện tích lúa thường xuyên bị hạn của địa phương mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Thời gian tới, xã mong muốn các ngành chức năng của huyện thường xuyên quan tâm, khảo sát vùng đất bị hạn hoặc bạc màu để chuyển đổi cây trồng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kriêng nói.
 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.