Thu trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng rau sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mô hình trồng rau sạch, mỗi năm gia đình bà Lại Thị Hiên (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng.
  Bà Lại Thị Hiên tưới nước cho vườn rau của gia đình. Ảnh: T.V
Bà Lại Thị Hiên tưới nước cho vườn rau của gia đình. Ảnh: T.V
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau sạch của gia đình, bà Hiên vui vẻ giới thiệu từng loại rau, nào là rau cải, mồng tơi, đậu, cà tím… Bà Hiên cho biết: Nhiều năm trước, với suy nghĩ trồng rau để đảm bảo nguồn rau xanh cho gia đình, đồng thời có thêm thu nhập, vợ chồng bà quyết định học hỏi kinh nghiệm trồng rau sạch trên ti vi, tham quan, học hỏi các mô hình trồng rau trong và ngoài huyện để áp dụng vào 3 sào rau của mình. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên thời gian đầu rau phát triển chậm, sản lượng thấp. Bên cạnh đó, người dân trong vùng chưa mặn mà với rau sạch nên bà gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra. Không hề nản chí, bà kiên trì với mô hình trồng rau sạch của gia đình. Sau những lần thất bại, bà lại tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm. Rồi những lứa rau tiếp theo đã lên đều và đẹp hơn, bà con trong vùng cũng đã quen với việc sử dụng rau sạch của gia đình bà, nên đầu ra cũng dần ổn định. Vừa làm vừa học thêm kỹ thuật từ các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, vườn rau của bà phát triển nhanh và cho năng suất cao, mang lại nguồn thu ổn định.
 
Ông Hoàng Việt Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Nhin: “Trong khi nhiều hộ dân trên địa bàn xã tập trung phát triển các loại cây công nghiệp thì gia đình bà Hiên lại chọn hướng trồng rau sạch và đã thành công, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng. Rau là loại cây dễ trồng, ít gặp rủi ro mà thu nhập lại ổn định. Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ liên kết với một số hộ dân ở khu vực thôn 3 xây dựng chuỗi liên kết phát triển để cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường”.

Theo bà Hiên, quan trọng nhất là khâu làm đất bởi đây là bước quyết định trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đất phải xới cho tơi xốp và tiến hành bón vôi để khử độ chua. Đến ngày xuống giống phải bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục trước đó, trộn đều với trấu theo tỷ lệ thích hợp và gieo hạt. Tùy theo từng loại rau màu mà có kỹ thuật lên luống với độ cao, rộng khác nhau để phù hợp với sự sinh trưởng của cây trồng, nhất là tạo điều kiện cho rễ phát triển tốt, đất được thoát nước và khâu chăm sóc được dễ dàng hơn. Bà Hiên cho biết thêm: “Để xua đuổi côn trùng, tôi phun nước ớt ngâm với tỏi, gừng, rượu. Từ ngày làm rau tới giờ, gia đình tôi chưa bao giờ phải phun thuốc trừ sâu, đảm bảo nguồn rau sạch cung cấp ra thị trường”.
Nhận thấy nhu cầu rau sạch trên địa bàn ngày càng tăng, năm 2013, thông qua Hội Nông dân xã, bà Hiên vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pah rồi góp thêm nguồn vốn tích lũy được của gia đình mua thêm 3 sào đất để mở rộng vườn rau. Hiện nay, mô hình trồng rau, củ, quả của gia đình bà Hiên đã phát triển ổn định, mỗi ngày cho thu nhập bình quân từ 500 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng. So với các loại cây trồng khác thì trồng rau vốn đầu tư thấp, ít nhân công nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng ngày, bà Hiên bỏ mối rau cho các chợ trên địa bàn huyện và cung cấp cho một số thương lái đến tận vườn để thu mua.
Tường Vy

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.