Ngọt lành hương chuối Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuối là một trong những loại cây trồng ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc và phù hợp với nhiều loại đất. Vì vậy, nhiều năm qua, loại cây này được nông dân huyện Chư Sê (Gia Lai) lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.
Huyện Chư Sê hiện có trên 860 ha cây ăn quả, trong đó có hơn 300 ha chuối. “Thời gian qua, diện tích hồ tiêu bị chết do sâu bệnh trên địa bàn huyện khá lớn nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng chuối vì loại cây này dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Hơn nữa, diện tích đất đồi núi khó canh tác khá lớn nên người dân cũng tận dụng để trồng chuối. Cây chuối hiện được trồng nhiều nhất tại các xã: Ayun, Bar Maih, Bờ Ngoong… và đem lại nguồn thu khá lớn cho người dân”-ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết.
  Bà Kiều Thị Xuân Mai (tổ dân phố 14, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) phấn khởi khi vườn chuối cho thu nhập cao. Ảnh: T.D
Bà Kiều Thị Xuân Mai (tổ dân phố 14, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) phấn khởi khi vườn chuối cho thu nhập cao. Ảnh: T.D
Theo chia sẻ của nông dân, bình quân mỗi héc ta chuối cho thu khoảng 12 tấn quả/năm. Với giá bán 7.000 đồng/kg như hiện nay, trung bình mỗi héc ta chuối, người dân thu được trên 80 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng. Ông Siu Bli (làng Achông, xã Ayun) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 2 ha chuối. Với giá thu mua chuối hiện tại ở các đại lý trên địa bàn huyện là 7.000 đồng/kg, gia đình có nguồn thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, tôi và nhiều hộ dân trong làng hy vọng được tiếp cận với giống chuối có chất lượng cao và được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm để yên tâm phát triển loại cây ăn quả này”.
Còn bà Kiều Thị Xuân Mai (tổ dân phố 14, thị trấn Chư Sê) thì cho biết: Những năm trước đây, gia đình bà chủ yếu chăn nuôi heo, trồng hồ tiêu và cà phê. Đầu năm 2017, bà trồng xen canh chuối trong gần 1 ha cà phê của gia đình. Đến nay, chuối đã cho thu hoạch. “Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, cây chuối phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Ngoài quả thì bắp chuối cũng được các tiểu thương ở chợ thu mua rất nhiều. Thân cây chuối sau khi thu hoạch được gia đình tôi tận dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc”-bà Mai nói.
Giống chuối được người dân trên địa bàn huyện Chư Sê trồng nhiều nhất hiện nay là chuối mốc, chuối lùn… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 120 ha chuối tiêu hồng của Công ty cổ phần Tây Nguyên Xanh. Phần lớn người dân vẫn đang trồng chuối theo cách truyền thống, chưa thực sự quan tâm đầu tư  kỹ thuật chăm sóc. Bên cạnh đó, tại hầu hết các vườn chuối lâu năm, giống chuối đã bị thoái hóa khiến năng suất và chất lượng giảm. Để giúp người trồng chuối nâng cao hiệu quả kinh tế, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nhấn mạnh: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quản lý giống để người dân không mua phải giống trôi nổi trên thị trường; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây chuối cho nông dân để đạt hiệu quả cao nhất. Phòng cũng tích cực hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình thâm canh hợp lý theo hướng bền vững để sản phẩm có sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó đem lại lợi ích nhiều hơn cho bà con”.
Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.