Đặc sản dế sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chơi dế, chọi dế trước kia vốn là trò vui của mọi trẻ em, còn bây giờ có nơi đã xem việc nuôi dế là nghề “làm chơi, ăn thật”. Bởi chỉ với diện tích nhỏ cỡ trăm mét vuông đất nuôi dế sau nhà cũng có thể đem lại khoản thu nhập tới vài trăm triệu đồng mỗi năm ... 
“Nông trại dế”
Cách thành phố Pleiku trung tâm tỉnh Gia Lai 96 km, Ayun Pa là thị xã khá sầm uất nằm giữa ngã ba sông Ba và sông Ayun. Hiếm có thị xã miền núi nào tràn trề sức sống như Ayun Pa! Khi chúng tôi công tác lưu trú tại đây, mỗi sáng cứ đúng 4 giờ 45 phút là hệ thống loa công cộng đã lôi tất cả dậy bằng nhạc hiệu vang lừng, hòa tiếng chao chát rộn rã của hằng hà sa số chim yến nuôi trong cả chục nhà yến xây khắp phố. Hôm nào cũng thế! Cả thị xã cùng bắt đầu cần lao từ lúc ánh ngày chưa rạng. 
Anh Nhất trước nhà. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Anh Nhất trước nhà. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Giữa lòng thị xã cao nguyên, tôi la cà thú vị với mô hình “tập đoàn nông trại” có biển hiệu đơn giản cắm trước cụm nhà số 67 Phạm Hồng Thái mang tên “Trại dế Phạm Nhất”. Định cư giữa nội thị Ayun Pa đã 30 năm, ngoài giờ làm việc ở cơ quan nhà nước, 3 đôi vợ chồng trong đại gia đình mà Phạm Văn Nhất là anh cả còn hòa thuận sử dụng chung khoảnh vườn 1.500 m2 sau nhà để nuôi nhiều loại con đặc sản: chuột tàu, thỏ lai, gà rừng, ngan ngỗng, bồ câu, heo rừng, trăn đất v..v...
Trong đó, đã ổn định chuỗi sản xuất, đem lại thu nhập đều đặn hơn 2 năm qua là nghề nuôi dế, với lượng hàng vợ chồng anh Nhất xuất bán đều đặn mỗi tháng cả tạ cho nhiều đầu mối các tỉnh Bắc Nam. Tuy chỉ là nghề “tay trái”, nhưng trại dế này giúp tổ ấm của anh Nhất sống phong lưu hơn, dù lương sĩ quan quân đội của anh và giáo viên tiểu học của chị cũng “không tới nỗi nào”. Thấy các con bận việc cơ quan, tan tầm về nhà lại lao ngay vào chuồng trại, mẹ anh Nhất tuổi gần tròn bảy mươi vẫn vui vẻ vào vai “trưởng phòng giao dịch”, chuyên nhận điện thoại đặt hàng, giao hàng cho khách. 
Thú vui hái ra tiền
Lam lũ như nông dân chính hiệu trong trang phục lao động cuối tuần, anh Nhất mở cửa trại dế để tôi tự do khám phá, còn anh tất bật đốt đuốc xua đuổi côn trùng, dọn chuồng dế, cho dế ăn. Thoăn thoắt làm lụng, anh Nhất thoải mái kể: Hồi nhỏ, như mọi đứa trẻ khác, 4 anh em của Nhất cũng thích ra đồng bắt dế chơi, cho dế than cồ, dế lửa chọi nhau.
Anh Nhất đốt lửa xua côn trùng. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Anh Nhất đốt lửa xua côn trùng. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Khi đã là cán bộ phường, anh Nhất vẫn ra đồng bắt dế về để dành làm mồi câu cá. Dế đựng trong xô nhựa, phủ khăn ướt vào góc xô cho dế hít nước, chỉ vài ngày sau lật khăn lên, đã thấy trứng dế trắng dài, nhỏ li ti đã bám đầy. Ủ khăn một tuần, dế con nở cả đàn, tha hồ cho gà và cá ăn. Tuy nhiên loài dế đồng hiếu chiến, cứ vừa trổ cánh đã hung hăng đánh nhau rụng chân đứt đầu, khó nuôi thành hàng hóa. Dăm năm trở lại đây, thấy côn trùng ngày càng trở thành đặc sản, được coi như nguồn thực phẩm sạch, lạ miệng, ngon lành, và nhiều nhà hàng bắt đầu đưa dế lên đĩa, anh Nhất mày mò nghiên cứu, rồi đặt mua giống dế vàng thuần chủng Thái Lan về nuôi. Loài dế này hiền lành, ăn nhiều và lớn nhanh như thổi. Vợ chồng anh Nhất mau chóng hoàn chỉnh quy trình sản xuất “đặc sản Dế sông Ba”, tự chế biến thành nhiều món ngon đem đến chào mời ở các nhà hàng, quán cóc. 
Vòng đời của dế ngắn chỉ 1 tháng. Mỗi năm, trừ 2 tháng lạnh nhất dế không lớn nổi, 10 tháng còn lại vợ chồng anh Nhất nuôi đủ 10 vụ, mỗi vụ  xuất trên 2 tạ dế thịt, giá bán lẻ 150.000 đồng/ký, ra tới đâu hết đến đó. Lúc cao điểm, anh phải thuê nhân công ngồi lặt cánh, rửa sạch, đóng gói từng túi nhỏ 1 lạng cỡ hơn 100 con, bán tươi hoặc đóng hộp xếp vào tủ đá chờ tới đợt giao hàng. Trừ chi phí giống vốn 50/50 cho thức ăn (cám, rau, cỏ, củ, quả) và công thợ, trại dế vỏn vẹn một trăm mét vuông này cho gia đình anh khoản lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. 
Dế ăn nhanh chóng một ngọn khoai. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Dế ăn nhanh chóng một ngọn khoai. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Anh Nhất cho biết: Dế trứng đắt và ngon hơn dế thịt. Khi dùng, cứ mỗi lạng dế đem rang muối hạt nóng giòn, hoặc chiên bơ trộn lá chanh xắt nhỏ, thân dế béo mầm sẽ phồng lên vàng ươm đầy 1 dĩa, đủ cho mấy tay ưa tán phét nhâm nhi lai rai vài xị. Quán cóc nhỏ lẻ và các nhà hàng quanh vùng đều biết cách chế biến dế thành nhiều món hấp dẫn, in hẳn lên menu. Hiện anh Nhất mới sử dụng nuôi dế ở một góc nhỏ của vườn, nên chỉ cần nhu cầu thị trường tăng, vợ chồng anh có thể tiếp tục mở rộng trại dế lên gấp nhiều lần nữa. 
“Mình nuôi chừng này chưa ăn thua. Trại dế của chú em kế út Phạm Duy Phong ở huyện Đắk Đoa mỗi năm xuất bán tới 2 tấn dế. Là công chức làm thêm nên phải vất vả thức khuya dậy sớm, nhưng đây vẫn là nghề làm chơi ăn thật, đủ để đầu tư cho các con ăn học thoải mái ”-Chàng sĩ quan kiêm chủ trại dế cởi mở chia sẻ. 
Hoàng Thiên Nga

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.