An Khê: Phát triển hợp tác xã đa dịch vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn hoạt động hiệu quả, từ năm 2016, UBND thị xã An Khê (Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II, Bộ Nông nghiệp và PTNT) đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Bên cạnh đó, thị xã chú trọng hỗ trợ phát triển loại hình HTX đa dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ HTX rau an toàn
Phường An Bình có gần 600 ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích trồng rau xanh là 525 ha, năng suất bình quân 24 tấn/ha, sản lượng rau xanh hàng năm đạt 12.000 tấn. Nghề trồng rau xanh mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập ổn định. Từ lợi thế này, năm 2017, thị xã An Khê thành lập HTX Rau an toàn An Bình (nay là HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình) làm đầu mối kết nối người trồng rau; tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP. “Đến nay, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX đã mở rộng gần 22 ha với 31 loại rau. Hợp tác xã đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Tâm Nguyên để tiêu thụ rau cho các thành viên”-ông Trần An Đình-thành viên Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình-cho biết.
  Mỗi tháng, gia đình chị Trần Thị Kim Long xuất bán 1,2 tấn rau cải và 3 tấn xà lách cho các siêu thị ở tỉnh Kon Tum, Bình Định và TP. Pleiku. Ảnh: N.M
Mỗi tháng, gia đình chị Trần Thị Kim Long xuất bán 1,2 tấn rau cải và 3 tấn xà lách cho các siêu thị ở tỉnh Kon Tum, Bình Định và TP. Pleiku. Ảnh: N.M
Từ ngày trở thành thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình, ông Lê Văn Phú (tổ 5, phường An Bình) thường xuyên được tập huấn kỹ thuật trồng trọt mới để áp dụng vào sản xuất nên năng suất, chất lượng rau và thu nhập đều tăng lên. “Gia đình tôi có 2.000 m2 đất trồng luân canh các loại rau ăn lá, thu nhập 50-70 triệu đồng/năm, cao hơn trước 10-15 triệu đồng. Rau được HTX và thương lái vào tận vườn thu mua”-ông Phú cho hay.
Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầu năm 2018, thị xã An Khê hỗ trợ gia đình chị Trần Thị Kim Long (thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình) trên 150 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất từ 100 m2 lên 1.000 m2 với 8 loại rau. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình chị Long xuất bán 1,2 tấn rau cải và 3 tấn xà lách cho các siêu thị ở tỉnh Kon Tum, Bình Định và TP. Pleiku, giá bán bình quân 40 ngàn đồng/kg. “Được sự quan tâm hỗ trợ của thị xã, gia đình tôi có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô, mua sắm máy móc, trang-thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, đóng gói, in nhãn hiệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc”-chị Long cho biết.
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê-cho biết: Ngoài tranh thủ sự hỗ trợ thông qua các dự án, chương trình của Trung ương và tỉnh, trong 3 năm (2016-2018), thị xã chủ động hỗ trợ 800 triệu đồng để phục vụ dự án xây dựng nhãn hiệu rau An Khê, xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn, rau VietGAP của HTX An Bình. Dự án này là bước đệm để xây dựng nhãn hiệu rau An Khê cũng như cung ứng sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, thị xã còn trang bị máy móc, thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm làm ra.
Đến các HTX đa dịch vụ

Tiến sĩ Trần Minh Hải: “Nếu địa phương nào muốn xây dựng HTX theo từng bước như HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình, chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con để có thể tự xây dựng điều lệ, tự xây dựng phương án kinh doanh, mà phương án kinh doanh dựa vào tiềm lực, lợi thế địa phương, nhu cầu cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kết nối với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra giúp HTX để mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ cho thành viên mà cả người dân”.

“Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình khi mới thành lập chỉ có 1 ngành nghề kinh doanh là sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Đại hội thường niên diễn ra ngày 12-10-2018 đã xây dựng phương án hoạt động với 18 loại hình dịch vụ kinh doanh như: du lịch cộng đồng, xây dựng, thu gom rác, cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn, hồ mini cho trẻ em… Những dịch vụ này sẽ hỗ trợ nhau để tăng nguồn thu cho HTX, đồng thời mang lại lợi ích cho các thành viên, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cộng đồng”-ông Trần An Đình chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Bộ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1-cho rằng: Hợp tác xã hoạt động đa ngành nghề sẽ bổ trợ cho nhau, dịch vụ này hoạt động kém hiệu quả thì có dịch vụ khác bù đắp. “Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 đăng ký 14 loại hình kinh doanh. Hiện nay mới kinh doanh 8 loại hình dịch vụ nhưng cũng tạo ra doanh thu cho HTX, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn”-ông Bộ nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác-cho biết: Chúng tôi đang giúp thị xã An Khê xây dựng mô hình HTX theo 4 đặc điểm nổi bật là HTX đa mục tiêu, thành viên đa dạng, phương án kinh doanh đa dịch vụ và mục đích kinh doanh mang lại lợi ích cho thành viên. “Chúng tôi muốn người dân tổ chức mô hình HTX đúng với bản chất và đúng với Luật HTX kiểu mới. Mô hình này không cần người dân góp nhiều tiền, mà cần nhiều người, nhiều thành viên tham gia. Khi HTX có vài trăm người kinh doanh một loại hình dịch vụ nào đó thì có ngay khách hàng nội tại, đó là lợi thế”-Tiến sĩ Hải phân tích.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.