Nhân rộng mô hình khuyến nông ở làng nghèo Đê Pral

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mô hình trồng cây cà phê vối cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số được Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa, Gia Lai triển khai tại làng nghèo Đê Pral (xã Đak Sơ Mei) vào năm 2014. Đến nay, mô hình này không ngừng được bà con chủ động nhân rộng, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Đê Pral là một trong 2 làng đặc biệt khó khăn của xã Đak Sơ Mei. Trước năm 2014, bà con nơi đây chủ yếu sinh sống nhờ cây mì, lúa nước, chỉ vài hộ trồng thêm cà phê mít với diện tích khoảng 5 ha. Đất đai phần lớn vẫn còn hoang hóa.

  Cây cà phê vối đang giúp người dân làng Đê Pral từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Hồng Thi
Cây cà phê vối đang giúp người dân làng Đê Pral từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Hồng Thi



Nhằm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, Trạm khuyến nông huyện Đak Đoa đã phối hợp với Huyện đoàn, Hội nông dân huyện và UBND xã Đak Sơ Mei tiến hành chọn 3 hộ dân với 1 ha đất để triển khai thực hiện mô hình trồng cà phê vối với 2 loại giống TR4 và TRF1.

Theo đó, người dân được cấp hỗ trợ 1.265 cây giống cà phê vối (kể cả giống trồng dặm); 1.100 kg phân lân, 1.100 kg vôi và 20 kg thuốc trừ mối; tổng kinh phí thực hiện 25 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm khuyến nông huyện thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để kiểm tra theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, đồng thời hướng dẫn các hộ làm cỏ và bón phân kịp thời.

Sau 3 năm xuống giống, diện tích cà phê này bắt đầu thu hoạch bói với năng suất 4 tấn/ha và đến nay đang cho trái non chính vụ. Có thể nói, việc đưa các giống cà phê lai đa dòng mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất thay thế các loại cây không có giá trị kinh tế trước đây đã từng bước giúp người dân nghèo làng Đê Pral nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Là một trong 3 hộ được chọn để thực hiện mô hình, anh Sơi (làng Đê Pral), cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chỉ trồng lúa, mì, bắp nên thu nhập rất bấp bênh, bữa đói bữa no. Khi được Nhà nước hỗ trợ 200 cây giống cà phê vối trồng trên 2 sào đất, hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng và chăm sóc cây, tôi rất phấn khởi vì mình có điều kiện hơn để phát triển kinh tế. Năm rồi tôi thu bói được 8 tạ cà phê tươi, bán với giá 7.000 đồng/kg. Năm nay cà phê cho trái nhiều hơn, chắc chắn năng suất sẽ cao hơn”.

Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vài năm trở lại đây, người dân làng Đê Pral không ngừng chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những hộ thực hiện mô hình để trồng cà phê vối. Diện tích cà phê của làng, vì thế, cũng ngày càng được nhân rộng, nhất là giống TR4. Bởi lẽ, theo chia sẻ của bà con, giống TR4 cây sinh trưởng khỏe, phân cành mạnh, cho hạt to, năng suất đạt 4-5 tấn/ha thời kỳ kinh doanh và có sức đề kháng cao với bệnh gỉ sắt.

Anh Loi-Trưởng thôn Đê Pral, cho hay, năm 2012 trở về trước, hầu như cả làng Đê Pral không ai trồng cà phê, phần vì không rành kỹ thuật, chi phí đầu tư cao, phần nữa sợ mất thu nhập do cây cà phê từ lúc trồng đến lúc thu hoạch tốn nhiều thời gian.

Sau đó, một số hộ cũng học hỏi người Kinh vùng lân cận, mạnh dạn trồng thử cây cà phê mít nhưng năng suất không đạt. Mãi đến khi được Trạm Khuyến nông huyện, chính quyền xã hỗ trợ các hộ chuyển đổi sang trồng cây cà phê vối, bà con mới bắt đầu trồng nhiều. Năm 2017, cả làng có tất cả 36 ha cà phê; riêng năm nay trồng thêm 12 ha. Nhờ cây cà phê, đời sống dân làng có nhiều cải thiện. Làng có 103 hộ (100% người Bahnar) với 489 khẩu; trong đó còn 53 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo (giảm gần 30% so với năm 2014).

“Là cán bộ mình phải gương mẫu nên ngoài tuyên truyền, hướng dẫn dân làng chăm chỉ làm ăn, bản thân tôi cũng tiên phong trong nhân rộng mô hình cà phê. Hiện gia đình tôi đang có 1,3 ha cà phê với 50% đã vào giai đoạn kinh doanh, 50% đang vừa thu bói. Trừ chi phí, tôi thu về hơn 50 triệu đồng và khả năng sẽ gần 100 triệu đồng vào năm sau. Tôi cũng dự kiến sẽ chuyển đổi trồng thêm 5 sào cà phê nữa”-anh Loi cho hay.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.