Một ngày hội có cứu được ngành hồ tiêu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự kiến vào tháng 12.2018, lần đầu tiên một ngày hội về ngành hồ tiêu sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy việc liên kết hợp tác, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng trong bối cảnh ngành hồ tiêu đã vượt xa quy hoạch về diện tích, cuộc khủng hoảng thừa đang tiếp diễn và dịch bệnh vẫn tràn lan, thì liệu một ngày hội có giải quyết được tất cả các vấn đề?
Giá giảm tới 61,5%
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 7.2018 ước đạt 21.000 tấn, với giá trị đạt 64 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng năm 2018 ước đạt 153.000 tấn, trị giá 517 triệu USD, tăng 3,7% về lượng nhưng giảm 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Ngành hồ tiêu đã vượt quy hoạch sản xuất tới 3 lần. Ảnh: T.L
Ngành hồ tiêu đã vượt quy hoạch sản xuất tới 3 lần. Ảnh: T.L

"Đã đến lúc ngành hồ tiêu cần có một ban điều phối để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, chứ không thể mạnh ai nấy làm như hiện nay. Bên cạnh đó, cần vận động sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất. Có như vậy, ngành hồ tiêu mới từng bước tháo gỡ được các nút thắt”.

Ông Nguyễn Quý Dương

Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Đức, Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất. 

Giá xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giao dịch tại cảng Sài Gòn của Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 7.2018, khiến giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.379USD/tấn, giảm tới 61,5% so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu giảm kéo theo giá thu mua hạt tiêu trong những ngày đầu tháng 8.2018 tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 49.000 đồng/kg tại Gia Lai, Đồng Nai. Lý do chính của việc giá giảm vẫn là do sức ép từ nguồn cung hồ tiêu toàn cầu.

Trong khi đó, dịch bệnh lại đang hoành hành ở một số vùng trồng tiêu. Tại tỉnh Phú Yên, đã có 125ha tiêu mắc bệnh chết chậm, chết nhanh. Hầu hết diện tích tiêu bị bệnh tập trung tại huyện Tây Hòa, vùng trồng tiêu lớn nhất tỉnh. Ngoài ra, tại địa phương này, còn 100ha cây tiêu trong giai đoạn thu hoạch bị tuyến trùng rễ.
Đề xuất thành lập Ban điều phối
Trong báo cáo tháng 6.2018, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) nhận định, giá hạt tiêu trong các tháng cuối năm 2018  sẽ không biến động nhiều. Từ thực tế khó khăn về tiêu thụ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường khuyến cáo, các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam cần phải chủ động được lợi thế là nắm giữ nguồn cung lớn, dự trữ hồ tiêu khô và tính toán vòng kinh doanh sản phẩm để có thể đẩy giá hạt tiêu đi lên. Bên cạnh đó, cần kiên quyết chuyển đổi cây hồ tiêu sang các cây trồng khác tại các diện tích hồ tiêu đang bị sâu bệnh hại nặng và các diện tích không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng cho sản xuất nhằm giảm áp lực nguồn cung.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện diện tích hồ tiêu tại các địa phương đã đạt đến 250.000ha, vượt quy hoạch gấp 3 lần. Đây là lý do chính khiến giá hồ tiêu tuột dốc không phanh trong suốt hơn 1 năm qua, sau khi đã xác lập kỷ lục về giá, lên tới 220 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, nông dân lãi gấp 5 lần so với giá thành sản xuất nên ai cũng hào hứng mở rộng diện tích.
Tuy nhiên, hiện giá tiêu chỉ còn khoảng 45 triệu đồng/tấn, chạm mức giá thành sản xuất, gây nhiều khó khăn cho nông dân.
“Đã đến lúc ngành hồ tiêu cần có một ban điều phối để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất theo hướng an toàn, bền vững chứ không thể mạnh ai nấy làm như hiện nay. Bên cạnh đó, cần vận động sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất” - ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, có một tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, chỉ có 2 lô hồ tiêu xuất khẩu bị trả về nhưng không liên quan đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vốn là một hạn chế “chết người” của ngành hồ tiêu, mà chỉ liên quan đến vi sinh vật. Ông Dương cũng đề xuất cần xác nhận mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Được biết, dự kiến vào cuối tháng 12.2018, Ủy ban Hồ tiêu Quốc tế (IPC), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và Nhóm công tác PPP ngành hàng hồ tiêu sẽ phối hợp tổ chức ngày hội về hồ tiêu. Đây là lần đầu tiên một sự kiện lễ hội được tổ chức riêng cho cây hồ tiêu nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Nhưng rõ ràng nếu không giải quyết tận gốc vấn đề của việc phá vỡ quy hoạch, trồng hồ tiêu tràn lan thì một ngày hội cũng sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa.
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.