Kbang hỗ trợ nông dân thu hoạch mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiến độ thu hoạch mía năm nay ở huyện Kbang chậm hơn nhiều so với các năm trước và hiện vẫn còn hàng ngàn héc-ta mía đang đứng đồng. Trước tình hình đó, huyện đã nhiều lần làm việc với Nhà máy Đường An Khê để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía trên địa bàn nhằm giảm thiệt hại cho nông dân.

Theo phản ánh của nhiều nông dân huyện Kbang, tiến độ thu hoạch mía năm nay chậm hơn mọi năm khoảng 1 tháng. Nhiều diện tích mía đã chín từ lâu nhưng không được cấp phiếu đốn nên chữ đường giảm, cộng với giá mía thấp khiến người trồng gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, tuy trên địa bàn huyện đã có vài trận mưa nhưng thời tiết vẫn còn nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy mía. Từ đầu vụ ép đến nay, trên địa bàn huyện Kbang đã xảy ra 7 vụ cháy mía, làm thiệt hại trên 50 ha.

 

Người dân Đak Hlơ thu hoạch mía.                              Ảnh: L.N
Người dân Đak Hlơ thu hoạch mía. Ảnh: L.N

Kông Lơng Khơng là 1 trong những xã có diện tích mía nhiều nhất huyện Kbang với hơn 2.800 ha. Hiện nay, người dân trong xã mới thu hoạch được khoảng trên 60% diện tích mía. Ông Đinh Gen (làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng) cho hay: “Nhà tôi trồng 5 ha mía nhưng đến nay mới thu hoạch được 3 ha. Chúng tôi đã đề nghị nhà máy và chính quyền địa phương có phương án thu mua mía nhanh giúp người dân bởi nắng nóng như thế này nếu bị cháy thì thiệt hại rất lớn”.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, cho biết: “Theo thống kê từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra rất nhiều vụ cháy mía, thiệt hại hàng chục héc-ta. Tuy những ngày vừa qua trên địa bàn đã có mưa làm giảm áp lực cháy mía song cũng khiến việc thu hoạch mía thêm chậm bởi xe lớn không thể vào đến ruộng mía được. Do giá mía xuống thấp, chữ đường giảm, chi phí vận chuyển lại cao nên vụ mía năm nay, người nông dân gần như không có lãi. Về việc tiến độ thu mua mía chậm, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với nhà máy nhưng cũng không có chuyển biến nhiều”.

Niên vụ 2017-2018, toàn huyện Kbang có trên 10.000 ha mía, hầu hết nằm trong vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê. Đến nay, diện tích mía đã thu hoạch mới chỉ đạt khoảng 65%; gần 3.500 ha mía đang đứng đồng, tập trung chủ yếu tại các xã Kông Lơng Khơng, Kông Pla, Tơ Tung, Đak Hlơ.  Riêng 305 ha mía cánh đồng lớn triển khai trong niên vụ này cũng mới chỉ thu hoạch được hơn 70%. Do thời điểm kết thúc vụ ép chỉ còn chưa đến 1 tháng nên nhiều nông dân đang rất lo lắng bởi việc chậm thu hoạch không chỉ gây khó cho họ mà còn ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện các dự án cánh đồng lớn trong niên vụ tiếp theo. Trước tình hình đó, huyện Kbang đã nhiều lần làm việc với Nhà máy Đường An Khê nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30-5.

Theo ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, tiến độ thu hoạch mía năm nay chậm hơn các năm trước rất nhiều. Việc tiêu thụ chậm tiềm ẩn nguy cơ cháy mía, đồng thời làm giảm năng suất, sản lượng và đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái vụ. Không những thế, tình trạng này còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người dân. “Trước thực tế đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với nhà máy khảo sát diện tích mía cánh đồng lớn được đầu tư những năm trước để có kế hoạch ưu tiên thu hoạch trước. Đối với diện tích mía còn lại, các xã có kế hoạch phối hợp với Nhà máy Đường An Khê để có lịch tiêu thụ đảm bảo đúng quy trình của nhà máy và diện tích mía nào chín trước thì thu trước. Huyện cũng đã nhiều lần làm việc với Nhà máy Đường An Khê để đẩy nhanh tiến độ thu mua, đảm bảo tiêu thụ hết mía cho người dân”-ông Mã Văn Tình cho biết.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.