Cánh đồng lúa lớn một giống-Nâng tầm hạt gạo Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cánh đồng lúa lớn một giống đang là một trong những chủ trương của huyện Phú Thiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho cây lúa nơi đây, góp phần xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Đổi thay trên những cánh đồng

Xã Ia Sol là địa phương được huyện Phú Thiện chọn để thực hiện mô hình cánh đồng lúa lớn một giống ngay từ vụ đầu tiên. Đến nay, xã đã xây dựng được 140 ha lúa nước canh tác theo mô hình cánh đồng lớn một giống. Ông Phạm Văn Quyến-Chủ tịch UBND xã Ia Sol, chia sẻ: “Khi canh tác theo mô hình cánh đồng lớn và trồng đồng nhất một loại giống thì năng suất lúa đạt từ 8 tấn trở lên/ha, cao hơn 10-15% so với trồng lúa theo phương pháp truyền thống. Trong khi đó, chi phí đầu tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và nhân công đều giảm, hiệu quả kinh tế được nâng lên”.

 

Nông dân xã Ia Sol chăm sóc ruộng lúa.     Ảnh: L.H
Nông dân xã Ia Sol chăm sóc ruộng lúa. Ảnh: L.H

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng lúa lớn một giống xanh mướt, ông Nguyễn Văn Mợn (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol) phấn khởi nói: “Lúa sạ từ đầu tháng 1, nay đẻ nhánh đều rồi. Năm nay thời tiết thuận lợi nên lúa tốt. Tôi tham gia trồng ở 2 cánh đồng lớn, mỗi nơi 5 sào. Một ruộng sạ giống lúa Thiên Ưu, một ruộng sạ nếp truyền thống. Trồng lúa cánh đồng lớn nên khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc rất tiện. Giống, phân bón đã có Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi cung ứng đồng nhất”.

Đáng chú ý, xã Ia Sol triển khai cánh đồng lúa lớn một giống có sự tham gia của bà con người dân tộc thiểu số, đó là tổ dịch vụ Ia Dniu. Anh Rmah Ruin-Trưởng thôn Ia Ptau, cho biết: “Tổ dịch vụ Ia Dniu hiện có 40 ha lúa nước trồng theo mô hình cánh đồng lớn một giống. Tham gia cánh đồng lớn này, bà con thôn Ia Ptau được hưởng lợi nhiều thứ, từ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất đến giảm thủy lợi phí, nguồn nước về đồng được kiểm soát tốt hơn... Vụ mùa vừa rồi, bà con canh tác giống lúa nếp, năng suất đạt cao và bán được giá. So với canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, bà con thu lợi cao hơn khoảng 10 triệu đồng/ha”.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo của địa phương, bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện Phú Thiện bắt tay thực hiện chủ trương xây dựng các cánh đồng lúa lớn một giống. “Vụ đầu tiên, toàn huyện phát triển được hơn 628 ha trên 17 cánh đồng tại 8 xã, thị trấn. Đến vụ mùa năm 2017, huyện phát triển lên 19 cánh đồng với 717 ha lúa nước canh tác theo mô hình cánh đồng lớn một giống. Nhờ cơ giới hóa đồng bộ và canh tác ổn định một loại giống trên một đơn vị diện tích lớn, năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo Phú Thiện được nâng lên đáng kể”-ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết.

Để hạt gạo vượt “lũy tre làng”

Nhờ hưởng lợi từ hệ thống công trình đại thủy nông Ayun Hạ, từ  một vùng đất khát, Phú Thiện hiện đã có trên 6.500 ha chuyên canh lúa nước 2 vụ. Theo ông Quý, nếu lúa nước sản xuất theo phương thức truyền thống chỉ đạt năng suất 6,4-7 tấn/ha thì khi áp dụng mô hình cánh đồng lúa lớn một giống, năng suất nâng lên 7,5-8 tấn/ha. Các giống lúa chọn trồng đã được tuyển lựa kỹ qua nhiều năm sản xuất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Phú Thiện và cho năng suất, chất lượng cao, như: OM 4900, LH12, nếp 87, nếp 97, ML48…

Cánh đồng lúa lớn một giống đang tạo ra một cuộc cách mạng ở Phú Thiện. Những tuyến đường nội đồng được quy hoạch bài bản, thuận tiện hơn cho người dân mỗi khi ra đồng hay đưa thóc về nhà  sau mùa thu hoạch… Phía sau những thay đổi trên cánh đồng là sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người nông dân trồng lúa ở vùng đất này. Từ cánh đồng nhỏ đến với cánh đồng lớn là một hành trình không hề đơn giản. “Chúng tôi phải vận động, tổ chức họp dân tuyên truyền rất nhiều để người nông dân chịu nhập cuộc và kiên trì với hành trình ấy. Vậy nhưng, cái khó là nông dân mình dễ theo phong trào, thấy cây gì có hiệu quả lại ồ ạt chuyển đổi. Bởi vậy, vận động được đã khó, giữ được nông dân lại càng khó hơn, nhất là trong tình hình giá cả các mặt hàng nông sản “ba chìm bảy nổi” như hiện nay”- ông Nguyễn Văn Hòa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi (xã Ia Sol), chia sẻ.

Phát triển cánh đồng lúa lớn một giống là yêu cầu bắt buộc để nâng tầm hạt gạo Phú Thiện. Nói về chủ trương của huyện trong thời gian tới, ông Mai Ngọc Quý nhấn mạnh: “Trước mắt, huyện sẽ cố gắng duy trì và tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lúa lớn một giống, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn để rút kinh nghiệm nhân rộng trong tương lai”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.