Trồng nghệ làm dược liệu: Cần định hướng quy hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi một số nông sản rớt giá, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thu nhập của người dân thì việc trồng nghệ cung cấp cho các công ty chế biến dược liệu đang hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới trong ngành nông nghiệp hiện nay.

Đổ xô trồng nghệ

Dọc 2 bên đường vào thôn Quyết Thắng (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) hiện có khá nhiều rẫy nghệ xanh tốt trên sườn đồi. Loại cây này trước đây chủ yếu làm gia vị, trồng với diện tích rất nhỏ thì nay được trồng tập trung, quy mô lên đến hàng chục ha.

 

Cây nghệ được trồng tại xã Ia Din (huyện Đức Cơ) đang phát triển khá tốt.   Ảnh: L.L
Cây nghệ được trồng tại xã Ia Din (huyện Đức Cơ) đang phát triển khá tốt. Ảnh: L.L

Đang chăm sóc rẫy nghệ mới trồng được hơn 2 tháng, anh Vũ Hải Ba (thôn Quyết Thắng) cho biết: “Tìm hiểu tình hình trồng nghệ tại tỉnh Đak Lak thấy loại cây này dễ trồng, không kén đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định mua 2 tấn nghệ đỏ giống về trồng xen giữa các lô cao su.  Hiện cây nghệ phát triển rất tốt, tỷ lệ sống gần như 100%”.

Thấy mọi người trong thôn đổ xô trồng nghệ, anh Nguyễn Văn Kiên (thôn Quyết Thắng) cũng đầu tư trồng 4 ha, trong đó có 3 ha trồng xen giữa các lô cao su. “Trước đây, trong lô cao su trồng lúa rẫy nhưng hiệu quả không cao nên năm nay gia đình chuyển sang trồng nghệ. Hiện cây cao su còn nhỏ nên việc trồng xen cây nghệ không bị ảnh hưởng, có đủ ánh sáng để nghệ phát triển tốt”.

Hy vọng trồng nghệ sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, anh Phùng Văn Cường-một nông dân xã Ia Din, tính toán: “Trên thị trường hiện nay, giá củ nghệ tươi bán sỉ khoảng 8.000 đồng/kg. Để trồng một ha nghệ cần khoảng 1 tấn giống, còn trồng xen canh cao su cần khoảng 7 tạ. Gia đình mới trồng thử 5 sào, với giá nghệ giống là 16.000 đồng/kg thì hết 8 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, sau 9 tháng đến một năm, nghệ sẽ cho thu hoạch. Ước tính 5 sào này sẽ thu 10-12 tấn nghệ. Với giá thị trường hiện nay là 8.000 đồng/kg, trừ chi phí phân bón, tiền giống và công thì lãi được vài chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng mì vì giá mì hiện xuống thấp chỉ còn 2.600-3.000 đồng/kg”.

Cần có định hướng quy hoạch

Không chỉ ở huyện Đức Cơ, hiện nay, tại các địa phương như  Đak Đoa, Ia Grai… nhiều người dân cũng chuyển đổi sang trồng nghệ. Được biết, nghệ tươi được thu mua số lượng lớn, chủ yếu để làm dược liệu, chiết xuất ra hoạt chất curcumin rất quý trong y tế, có thể chữa các bệnh nan y hoặc sản xuất tinh bột nghệ-mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như hỗ trợ chữa bệnh dạ dày, làm đẹp...

Mặc dù giá trị kinh tế cao song việc tự phát trồng ồ ạt cây nghệ cũng khiến cán bộ địa phương lo lắng. Ông Nguyễn Công Tư Pháp Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Din (huyện Đức Cơ), cho biết: “Giá cả một số mặt hàng nông sản bấp bênh và xuống thấp nên bà con địa phương đã chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như nghệ, khoai lang… Thống kê sơ bộ, nông dân trên địa bàn xã đã trồng khoảng 15-20 ha nghệ. Trước tình hình này, xã đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, đồng thời khuyến cáo không nên trồng ồ ạt, có thị trường đầu ra ổn định mới phát triển. Ngoài ra, nhắc nhở bà con mua giống cần tìm hiểu kỹ, tránh trường hợp giống trôi nổi trên thị trường dẫn đến thiệt hại”.

Mối bận tâm hiện nay là hầu hết nông dân trồng nghệ đều rất lơ mơ về thị trường đầu ra cho sản phẩm. “Mình chẳng ký hợp đồng bao tiêu với đơn vị nào, tới mùa thu hoạch chắc sẽ có người đến mua. Ở Đak Lak và phía Bắc, họ bán mạnh lắm. Giờ cứ trồng thử, nếu hiệu quả kinh tế cao thì trồng tiếp”-anh Vũ Hải Ba cho biết.

Trên thực tế, tại Gia Lai chưa có đơn vị kinh doanh hay chế biến  nghệ, do đó, đầu ra cho sản phẩm này phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở thu mua và công ty ngoài tỉnh. Tỉnh ta đang có chủ trương phát triển cây dược liệu nên nếu thực sự cây nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao thì địa phương và các ngành chức năng cần có sự theo dõi, hỗ trợ kịp thời cho bà con nông dân. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, định hướng quy hoạch phát triển cụ thể cho loại cây trồng này.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.