Ngân hàng cho phép rút trước hạn một phần tiền gửi: Bảo toàn quyền lợi khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 1-8, một số ngân hàng thương mại bắt đầu cho phép khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi nhưng vẫn được giữ nguyên mức lãi suất ban đầu đối với phần tiền gửi còn lại. Sự điều chỉnh linh hoạt này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung hiện nay.

Thực hiện Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16-6-2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1-8, khách hàng được phép rút một phần tiền gốc trước hạn tại ngân hàng khi có nhu cầu và không giới hạn số lần rút nhưng vẫn được bảo toàn lãi suất cho số tiền gốc còn lại. Đón nhận thông tin này, chị Tô Thị Kim Vi (phường Đống Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Trước đây, khi có việc đột xuất cần tiền, tôi phải ra ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm trong sổ ra, lấy phần cần dùng rồi gửi ngược trở lại làm sổ mới. Điều này vừa bất tiện, vừa thiệt thòi vì phải chịu lãi suất không kỳ hạn. Vừa qua, tôi được nhân viên SHB Gia Lai thông tin về cơ chế mới, cho phép khách hàng được rút một phần gốc trong sổ ra nhưng vẫn giữ nguyên mức lãi suất ban đầu đối với khoản tiền còn lại. Tôi thấy điều này rất tốt, cho thấy ngân hàng đã thực sự quan tâm đến nhu cầu và quyền lợi của khách hàng tiền gửi”.

Dòng tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn vẫn đang chảy mạnh vào kênh huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Sơn Ca
Dòng tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn vẫn đang chảy mạnh vào kênh huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Sơn Ca


Tại Gia Lai hiện có tới 27 chi nhánh ngân hàng thương mại. Do đó, việc áp dụng quy định lãi suất rút trước hạn tiền gửi theo Thông tư số 04/2022/TT-NHNN không chỉ bảo toàn quyền lợi của khách hàng mà còn kỳ vọng gia tăng khả năng thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Phân tích thêm về tác động của chính sách này, ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, việc mở ra chính sách linh hoạt cho thấy ngân hàng đã quan tâm hơn đến nhu cầu, lợi ích của khách hàng. Việc thực hiện chính sách này là cú hích cho kênh huy động vốn có thêm dư địa tăng trưởng, đảm bảo nguồn vốn cho tăng trưởng dư nợ tín dụng, phục vụ cho nền kinh tế”. Cũng theo ông Đào, tính đến hết tháng 7-2022, huy động vốn của Chi nhánh đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2021. Kết quả này phần nào cho thấy nguồn vốn nhàn rỗi trong ngắn hạn vẫn đang khá dồi dào. Đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng tăng tốc huy động vốn, giải tỏa áp lực về nguồn vốn khi tập trung giải ngân tín dụng vào quý IV-2022.

Tương tự, tính đến đầu tháng 8, huy động vốn của Agribank Đông Gia Lai đạt 7.462 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2021. Theo đánh giá của Agribank Đông Gia Lai, tình hình huy động vốn đang có xu hướng chững lại so với các tháng đầu năm nay, một phần là bởi thị trường nông nghiệp đang bước vào mùa vụ, người dân rút bớt vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bàn về những tác động của Thông tư số 04/2022/TT-NHNN, ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-cho hay: “Quy định này rất phù hợp với nhu cầu thực tế, tạo thuận lợi hơn cho khách hàng khi cần rút một phần tiền gửi trước hạn để giải quyết các vấn đề cá nhân. Về phía Chi nhánh, việc áp dụng sản phẩm tiết kiệm linh hoạt sẽ có lợi hơn khi huy động được nguồn vốn nhàn rỗi”. Cũng theo ông Thu, nguồn vốn huy động trên thị trường Gia Lai năm nay rất dồi dào và thuận lợi. Thông qua những chỉ số hết sức tích cực trong công tác huy động vốn của các ngân hàng thương mại cho thấy, tỷ giá Việt Nam đồng đang rất ổn định, người dân vẫn đặt niềm tin vào kênh tiền gửi ngân hàng. Dòng tiền chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng đã góp phần kéo giảm lạm phát. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của các chi nhánh ngân hàng thương mại đang có xu hướng nhích lên, gia tăng tính cạnh tranh trong cuộc đua thu hút nguồn tiền nhàn rỗi nhằm chuẩn bị cho mục tiêu bứt phá tăng trưởng dư nợ tín dụng theo quy luật hàng năm.

 

 SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.