Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nguồn vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua việc ứng dụng “Chương trình quản lý nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý và theo dõi các nguồn vốn.
Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những chương trình tín dụng có dư nợ lớn, chiếm 9,5% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh. Do có nhiều nguồn vốn phân bổ cho chương trình này nên việc quản lý cho vay gặp rất nhiều khó khăn. Ông Cao Quốc Toàn-cán bộ Phòng Tin học-cho biết: “Trước đây, Phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng theo dõi, quản lý các nguồn vốn trên file Excel, trong khi file này có nhược điểm là không thể theo dõi chi tiết, cụ thể biến động lũy kế qua các năm. Mọi thay đổi về số liệu buộc phải nhập thủ công nên khá mất thời gian, việc trích xuất dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo cũng gặp khó khăn. Do đó, lãnh đạo Ngân hàng đã đặt ra yêu cầu xây dựng một phần mềm quản lý mang tính chất đặc thù để quản lý, theo dõi tốt nguồn vốn này”.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhóm tác giả: Lê Văn Chí, Đinh Văn Nghĩa, Nguyễn Đình Lý, Cao Quốc Toàn đề xuất sáng kiến “Đề xuất ứng dụng tin học xây dựng Chương trình quản lý kế hoạch nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”. Nội dung cốt lõi của sáng kiến này là xây dựng phần mềm “Chương trình quản lý nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” nhằm quản lý, theo dõi tốt hơn nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. 
Ông Cao Quốc Toàn cho biết: “Chương trình này bao gồm các chức năng thực hiện như: quản lý kế hoạch cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Qua đó, Phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng căn cứ vào quyết định giao vốn, thực hiện nhập chỉ tiêu kế hoạch cho từng phòng giao dịch. Chương trình sẽ tự động lấy số liệu thực hiện cho vay của từng phòng giao dịch để so sánh với số kế hoạch, giúp cán bộ tín dụng và cán bộ lãnh đạo quản lý dễ dàng theo dõi và nắm bắt việc thực hiện kế hoạch tín dụng chính xác từng ngày. Đồng thời, chương trình còn có chức năng in điện báo tín dụng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, giúp ban lãnh đạo, cán bộ tín dụng theo dõi triển khai kịp thời nguồn vốn, không để tình trạng vượt nguồn. Chương trình cũng góp phần khắc phục sai sót trong quá trình đăng ký hồ sơ khách hàng vay vốn trên hệ thống phần mềm”.
Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tín dụng.  Ảnh: Sơn Ca
Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tín dụng. Ảnh: Sơn Ca
Sau một thời gian nỗ lực nghiên cứu của nhóm tác giả, sáng kiến đã được ứng dụng thử nghiệm vào cuối năm 2020. Đến tháng 8-2021, “Chương trình quản lý nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” là 1/461 sáng kiến được Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH ra quyết định công nhận. Hiện chương trình này được áp dụng tại tất cả các phòng giao dịch cấp huyện và hội sở trực thuộc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê-bày tỏ: “Từ khi ứng dụng “Chương trình quản lý nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”, công việc quản lý, thực hiện thuận lợi hơn rất nhiều. Sau khi tham mưu Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch đến cấp xã, định kỳ hàng ngày, lãnh đạo Phòng Giao dịch và Tổ trưởng Tổ Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng biết được cụ thể dư nợ của từng nguồn vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để chỉ đạo triển khai và phê duyệt hồ sơ, tránh tình trạng cho vay vượt nguồn. Đồng thời, hàng tháng, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng và cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn biết được dư nợ của chương trình đối với từng nguồn vốn để tham mưu lãnh đạo phòng giao dịch triển khai cho vay và điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng kịp thời”.
Về phía Ngân hàng CSXH tỉnh, thông qua việc ứng dụng chương trình này, cán bộ phụ trách theo dõi kế hoạch tín dụng kịp thời có số liệu tăng trưởng dư nợ đối với từng nguồn vốn của chương trình cho vay giải quyết việc làm để kịp thời tham mưu Ban lãnh đạo chỉ đạo, tránh việc cho vay vượt nguồn đối với các phòng giao dịch. Bên cạnh đó, Phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng có thể xuất dữ liệu tất cả món vay để kiểm tra thông tin có đăng ký đúng với nguồn vốn không, từ đó chỉ đạo các phòng giao dịch thực hiện chỉnh sửa trên hệ thống kịp thời và tránh sai sót xảy ra.
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh rất chú trọng công tác nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực cán bộ và nâng cao hiệu quả công việc. Thông qua các phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, mỗi năm, Ngân hàng CSXH tỉnh có 17-18 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở được Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH công nhận.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phát động các phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, thi đua tiêu điểm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Thông qua đó, cán bộ, nhân viên có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách”.  
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.