Đak Pơ: Thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Yang Bắc là xã có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 1.105 hộ dân, trong đó có 806 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 72,94%; 5/8 làng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau khi lập gia đình và tách hộ ra ở riêng, anh Đinh Văn Niên (làng Kruối Chai) đã tính đến chuyện vay vốn tín dụng chính sách để làm ăn. “Vợ chồng tôi ra riêng được gia đình cho mảnh đất để trồng mì. Nếu chỉ dựa vào mấy sào đất này thì không đủ sống. Trong khi đó, muốn làm thêm gì thì phải có vốn đầu tư. Nghĩ vậy nên tôi đăng ký vay 45 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để đầu tư chăn nuôi bò”-anh Niên cho biết. Sau một thời gian gầy dựng, đàn bò của gia đình anh hiện có 3 con. Bên cạnh việc chăn nuôi, gia đình anh còn canh tác thêm 5 sào mì và nửa sào ớt tạo nguồn thu nhập ổn định.

 Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ tổ chức phiên giao dịch tại xã Yang Bắc. Ảnh: Sơn Ca
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ tổ chức phiên giao dịch tại xã Yang Bắc. Ảnh: Sơn Ca


Không chỉ riêng gia đình anh Niên, kể từ khi được nguồn vốn tín dụng chính sách trợ lực, bà con DTTS ở làng Kruối Chai đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư đa dạng nguồn sinh kế để tăng thu nhập cho gia đình. Ông Đinh Văn Sinh-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Kruối Chai-thông tin: “Tổ hiện có 52 thành viên với dư nợ 2,351 tỷ đồng. Không chỉ được tạo điều kiện vay vốn, bà con còn được tuyên truyền, hướng dẫn cách thức sử dụng vốn hiệu quả. Hiện nay, hầu hết bà con sử dụng nguồn vốn nuôi bò và trồng mía, mì, bạch đàn”.

Nhận xét về hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, ông Võ Viết Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-ghi nhận: “Thời gian qua, cấp ủy và chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác phối hợp triển khai hoạt động tín dụng chính sách, coi đây là một trong số nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con DTTS đã nỗ lực học hỏi cách sử dụng vốn vào hoạt động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả để tạo sinh kế ổn định”. Nếu như trước đây, kinh tế chủ yếu của bà con dựa vào cây mía, cây mì thì hiện nay, một số hộ DTTS đã biết tận dụng vùng đất gần nguồn nước để trồng cây hoa màu ngắn ngày, có thêm nguồn thu nhập. Đối với vùng đất xa nguồn nước, bà con nhờ vốn tín dụng chính sách để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của địa phương có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 giảm 1,61% so với đầu năm, toàn xã có 20 hộ thoát nghèo, 55 hộ DTTS không còn trong danh sách cận nghèo.  

Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng toàn huyện Đak Pơ là 214,535 tỷ đồng với 5.585 hộ vay. Đáng chú ý, dư nợ cho đồng bào DTTS vay là hơn 40 tỷ đồng với 1.319 hộ, chiếm 18,6%/tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã đơn giản hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện để mọi hộ vay, đặc biệt là đồng bào DTTS tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi. Từ thực tế hoạt động tín dụng chính sách, nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS có nguồn lực để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình như: chăn nuôi trâu, bò; trồng keo, bạch đàn, mía, cây ăn quả… vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2021, từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH và các chương trình, dự án khác, huyện đã kéo giảm được 337 hộ người Kinh và người DTTS thoát nghèo và không còn cận nghèo.

Trao đổi về định hướng trong công tác tín dụng chính sách đối với các làng DTTS trong năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ-thông tin: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và các đơn vị liên quan cùng vào cuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14”.

 

 SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.