Quyết định lịch sử của IMF

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo, Hội đồng Thống đốc của tổ chức này đã thông qua mức phân bổ chung mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tương đương 650 tỷ USD - lớn nhất trong lịch sử của IMF, trong nỗ lực thúc đẩy thanh khoản toàn cầu nhằm hỗ trợ các quốc gia chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Phụ nữ Bangladesh nhận hàng cứu trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) trong đại dịch Covid-19
Phụ nữ Bangladesh nhận hàng cứu trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) trong đại dịch Covid-19.


Hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương

Trong thông báo, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, đây là quyết định mang tính lịch sử và là sự kích thích đáng khích lệ dành cho nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng chưa từng có.

Thông báo lưu ý rằng, quyết định phân bổ SDR, có hiệu lực từ ngày 23-8, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên IMF, giải quyết nhu cầu dự trữ dài hạn trên thế giới, xây dựng lòng tin và thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Với phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF, người đứng đầu IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Nó sẽ đặc biệt giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang vật lộn đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Việc phân bổ các SDR mới tương tự như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các quốc gia mới nổi và đang phát triển sẽ nhận được tổng cộng khoảng 275 tỷ USD. Argentina dự kiến sẽ nhận được khoảng 4,3 tỷ USD. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không cần phải trả lãi suất hoặc họ có thể thanh lý chúng. SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy các quốc gia giàu hơn sẽ nhận được nhiều hơn.

Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển cho những quốc gia nghèo hơn thông qua Quỹ Tín thác tăng trưởng và giảm nghèo (PRGT) của IMF. Hỗ trợ ưu đãi thông qua PRGT hiện nay lãi suất là 0%. Bằng cách này, các nước khó khăn có thể tiếp cận được hỗ trợ hiệu quả hơn thông qua các chương trình cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất của những tổ chức như PRGT.

Tổng nợ tăng mạnh

Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thị trường tài chính toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro, thị trường dầu mỏ, giá vàng, đồng USD biến động thất thường…

Báo cáo mới nhất của IMF dự báo, tổng nợ công toàn cầu năm 2021 sẽ tương đương 99,5% GDP thế giới. Tổng nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2021 dự kiến lên tới 109%, trong khi nợ của các nền kinh tế phát triển dự kiến tăng lên gần 125% GDP. IMF cũng dự báo thâm hụt tài chính toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 8,5%, các nước G20 ở mức 9,4% và các nền kinh tế phát triển ở mức 8,8%

Theo IMF, vaccine và liệu pháp điều trị có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế nhưng một điều hết sức lo ngại là để đối phó với tác động xấu do dịch Covid-19, các nước đã đồng loạt tung ra các gói kích thích cùng nhiều biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế. Tổng trị giá các gói hỗ trợ của Mỹ hay Nhật Bản thậm chí lên tới 20% GDP. Khả năng đổ vỡ tài chính đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính do biện pháp kích thích khổng lồ là rất lớn, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Tờ Financial Times ngày 29-7 dẫn đánh giá của IMF cho biết, sự gia tăng chi tiêu của chính phủ đã làm tăng thâm hụt ngân sách chung của Khu vực đồng EUR lên mức 7,2% GDP vào năm 2020 và gần 8% trong năm nay, mặc dù con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt của Mỹ là gần 15% vào năm 2020 và hơn 13% trong năm 2021.

Theo ước tính của IMF, thiệt hại do dịch Covid-19 lên tới 28.000 tỷ USD tính đến năm 2025. Với những diễn biến của đại dịch và thống kê sơ bộ những tháng đầu năm 2021, nguy cơ thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới là hiện hữu và năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu.

 


Việc phân bổ SDR rất hiếm khi được IMF thực hiện. Lần gần đây nhất là khi tổ chức cho vay lớn nhất thế giới này tung gói cứu trợ 250 tỷ USD sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.



Theo HẠNH CHI tổng hợp (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.