Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để phòng dịch Covid-19, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Gia Lai tiếp tục áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm đảm bảo công tác chi ngân sách nhà nước thông suốt, nhanh chóng, kịp thời.

Từ khi địa phương thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg rồi hạ xuống Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, KBNN huyện Ia Pa vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt. Ông Hồ Trung Thành-Giám đốc KBNN huyện-cho biết: “100% cán bộ, công chức xác định rõ tư tưởng làm việc và nghiêm túc thực hiện quy định cách ly tại cơ quan. Công tác thu ngân sách được thực hiện qua tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh ngân hàng thương mại, kiểm soát thanh toán các khoản chi ngân sách thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến được giải quyết thông suốt, nhanh chóng, kịp thời không để ách tắc yêu cầu phục vụ công tác phòng-chống dịch”.

  Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pa đảm bảo hoạt động thông suốt nhờ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Sơn Ca
Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pa đảm bảo hoạt động thông suốt nhờ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Sơn Ca


Còn tại thị trấn Phú Túc, trước yêu cầu giãn cách xã hội, KBNN huyện Krông Pa chủ động đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi lương, phụ cấp, trợ cấp bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Trần Đức Phương-Giám đốc KBNN huyện-thông tin: “Trong những ngày địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng-chống dịch, các khoản chi ngân sách nhà nước đã được đơn vị tiếp tục thực hiện qua dịch vụ công nhằm đơn giản hóa về thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Đối với các khoản chi cho công tác phòng-chống dịch, đơn vị tạm ứng kinh phí trước thanh toán sau, đảm bảo kịp thời cho các đơn vị, lực lượng đang làm nhiệm vụ”.

Thực hiện Công văn số 889/UBND-KTTH của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, KBNN tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu ngân sách nhà nước tại các chi nhánh ngân hàng thương mại. Cùng với đó, thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Bùi Hữu Thiện-Phó Trưởng phòng Kế toán Nhà nước (KBNN tỉnh) cho hay: “Trước đây, giữa kho bạc và ngân hàng phải thực hiện điều chuyển tiền mặt qua lại. Hiện nay, chúng tôi đã xóa hẳn các khoản chi tiền mặt tại kho bạc huyện, hạn chế tối đa các giao dịch về tiền mặt tại KBNN tỉnh. Hiện lượng tiền mặt thu-chi qua KBNN tỉnh giảm tới 80-90% so với trước. 100% các khoản thu thuế thực hiện qua ngân hàng, còn các khoản chi tiền mặt từ 50 triệu đồng trở lên đều được chuyển sang ngân hàng”.

Kho bạc Nhà nước Gia Lai thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Sơn Ca
Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Sơn Ca


Tính đến hết tháng 7-2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 4.374 tỷ đồng, đạt 95,7% so dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 84,1% so với dự toán HĐND tỉnh giao, đạt 179,7% so với cùng kỳ năm trước. Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn năm 2021, KBNN tỉnh đã giải ngân 643 tỷ đồng/hơn 1.998,2 tỷ đồng, đạt 32,2% kế hoạch vốn Chính phủ giao. Vốn nước ngoài đã giải ngân 37,9 tỷ đồng/219,9 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch vốn giao. Đối với nguồn vốn năm 2020 chuyển sang năm 2021, đơn vị đã giải ngân 175,6 tỷ đồng/340,1 tỷ đồng, đạt 51,6% kế hoạch vốn giao. Kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn cũng đã giải ngân 49,4 tỷ đồng/329,9 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch vốn giao.

Ông Nguyễn Văn Phụng-Phó Giám đốc KBNN tỉnh-nhấn mạnh: “Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, việc chi cho công tác phòng-chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo mọi điều kiện hỗ trợ địa phương, cơ sở y tế và lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng-chống dịch. Ưu tiên xử lý các giao dịch rút tiền mặt để chi trả, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế đi lại, giao dịch có tiếp xúc trực tiếp. Quán triệt cán bộ, công chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN và chính quyền địa phương về các biện pháp phòng-chống dịch”.

 

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.