Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, đồng thời tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Giải ngân chậm

Năm 2021, huyện Chư Păh có 25 công trình được khởi công xây dựng mới với tổng mức đầu tư gần 58,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn giao năm 2021 là hơn 46,5 tỷ đồng, còn lại là vốn các công trình chuyển tiếp. Đến thời điểm này, các dự án trên địa bàn huyện đạt hơn 50% khối lượng và giải ngân trên 40%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Păh-cho hay: “Để giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan chủ động lập danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Sau khi được HĐND huyện thông qua, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện thủ tục theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và tổ chức khởi công ngay trong quý I-2021. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng được gấp rút triển khai để bàn giao cho chủ đầu tư. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện sát sao để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân. Dự kiến đến khoảng tháng 10 năm nay, 100% công trình trên địa bàn huyện sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng”.

Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới từ nguồn vốn vay ADB-tỉnh lộ 665 (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới từ nguồn vốn vay ADB-tỉnh lộ 665 (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy



Theo kế hoạch năm 2021, huyện Chư Prông có tổng số vốn bố trí cho các công trình là 59,9 tỷ đồng. Đến đầu tháng 6-2021, khối lượng giải ngân được gần 28 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Ước đến ngày 30-6 sẽ giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch. Đạt được kết quả này là nhờ công tác giải phóng mặt bằng được triển khai theo đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án.

Theo đánh giá, huyện Chư Păh và Chư Prông có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân ở 2 huyện này vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Tính chung toàn tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn rất chậm. Kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh năm 2021 đã phân bổ (kể cả vốn kéo dài) là gần 2.457 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6-2021, toàn tỉnh mới thực hiện được trên 508,5 tỷ đồng, đạt 20,7% kế hoạch (vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 13,7%; vốn ngân sách trung ương đạt 44,6%; vốn ODA đạt 0,7%; vốn chuyển tiếp đạt 30,9%). Dự ước đến ngày 30-6, khối lượng giải ngân khoảng 924,2 tỷ đồng, đạt 37,6% kế hoạch.

Chú trọng công tác giải phóng mặt bằng

Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đến nay, một số dự án khởi công mới vẫn chưa được Trung ương giao vốn. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA) đang có tỷ lệ giải ngân rất thấp là do sự phản hồi của nhà tài trợ khi được xin ý kiến rất chậm, cùng với đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài. Ngoài ra, do vướng giải phóng mặt bằng nên nhiều chủ đầu tư đang triển khai xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công mà chưa có khối lượng để giải ngân.

Thi công dải phân cách đường Lê Đại Hành (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Thi công dải phân cách đường Lê Đại Hành (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy


Tại Hội nghị sơ kết công tác tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, các đơn vị, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho từng dự án theo Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 18-12-2020 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Đối với các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư thì nhanh chóng hoàn thành, kịp thời đăng ký thông tin dự án tại Sở Tài chính để được cấp mã số, chuyển dự toán vào hệ thống Tabmis. Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ thi công, giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành và chất lượng công trình.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan thụ lý, giải quyết kịp thời các thủ tục có liên quan, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc không để xảy ra tình trạng chậm giao kế hoạch vốn, tồn đọng vốn. Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang những dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Các sở, ngành, chính quyền địa phương cần triển khai tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng như xác định giá đền bù nhằm nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch để các dự án triển khai thi công, đảm bảo tiến độ đề ra”.

 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.