Ngành Thuế Gia Lai kéo giảm nợ, tăng nguồn thu cho ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ thuế toàn tỉnh Gia Lai giảm tới 340,7 tỷ đồng so với năm 2019. Kết quả này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, góp phần thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính giao.  

Cán bộ Chi cục Thuế TP. Pleiku bám sát địa bàn, động viên người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước. Ảnh: Sơn Ca
Cán bộ Chi cục Thuế TP. Pleiku bám sát địa bàn, động viên người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước. Ảnh: Sơn Ca

Quản lý nợ thuế là một trong số chỉ tiêu trọng tâm của công tác thuế hàng năm. Xác định rõ điều này, trong năm 2020, Chi cục Thuế khu vực An Khê-Đak Pơ-Kông Chro tranh thủ sự chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền địa phương và Cục Thuế tỉnh, theo sát tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn để triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu, quyết tâm phấn đấu kéo giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách.

Chi cục trưởng Đào Ngọc Quang cho biết: “Sau khi sáp nhập, Chi cục xem công tác thu nợ, cưỡng chế nợ thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Do đó, Chi cục đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ theo đúng quy định nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh. Tổng số nợ thuế có khả năng thu đến ngày 31-12-2020 là 7,6 tỷ đồng, chiếm 4,78% tổng số thu năm 2020, đảm bảo theo chỉ tiêu Cục Thuế tỉnh giao”.

Giảm nợ thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa là áp lực, vừa là động lực phấn đấu của từng chi cục, từng phòng ban chức năng, nhất là thời điểm tổng nợ thuế toàn ngành vượt hơn 1.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nợ khó thu có xu hướng tăng và chiếm tới 57,9%/tổng nợ thuế. Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng chi cục, phòng chức năng; ban hành thông báo gửi người nộp thuế, cưỡng chế nợ thuế theo quy định; gửi danh sách người nộp thuế đến Kho bạc Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng thương mại để phối hợp thu nợ thuế, quản lý nợ hiệu quả; công khai các đơn vị nợ thuế lên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong năm, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức các tổ công tác làm việc với từng chi cục để nắm bắt tình hình cũng như hướng dẫn, giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng thời, làm việc với các địa phương nhằm tăng cường phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý thuế địa bàn chặt chẽ và hiệu quả hơn…

Ông Trần Thanh Hoàng-Trưởng phòng Quản lý nợ (Cục Thuế tỉnh) cho biết: “Công tác thu nợ có sự chuyển biến rất tích cực trong năm 2020. Có thể nói, “sức nóng” về số thu ngân sách của năm 2020 rất lớn, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh giao chỉ tiêu thu nợ theo tháng, theo quý cho từng đơn vị, phòng chức năng. Cho đến tuần cuối cùng của năm 2020, chúng tôi vẫn tiếp tục bám sát chỉ tiêu này và thực hiện đến ngày cuối cùng. Nguồn thu nợ thuế là một nguồn thu góp phần thực hiện dự toán thu ngân sách của Cục Thuế tỉnh đạt dự toán Bộ Tài chính giao”.

Chi cục Thuế TP. Pleiku đã chủ động có giải pháp khai thác các nguồn thu, đảm bảo thực hiện dự toán được giao năm nay. Ảnh: Sơn Ca
Chi cục Thuế TP. Pleiku đã chủ động có giải pháp khai thác các nguồn thu, đảm bảo thực hiện dự toán được giao năm 2021. Ảnh: Sơn Ca

Tính đến ngày 31-12-2020, tổng nợ thuế toàn ngành là 651,5 tỷ đồng, giảm 340,7 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, nợ khó thu là 338 tỷ đồng, nợ chờ xử lý là 90,5 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 223 tỷ đồng.
 

Bước vào năm 2021, Cục Thuế tỉnh sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Theo đó, Cục Thuế tỉnh sẽ căn cứ nợ thuế đến ngày 31-12-2020 để triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ, không để phát sinh nợ mới. Đối với nợ chờ xử lý, đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho các cấp có thẩm quyền giải quyết. Đối với nợ khó thu, sẽ tiếp tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.

Cục Thuế cũng đã có văn bản gửi các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh về việc phối hợp trong hoạt động cưỡng chế nợ thuế. Theo đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý thuế phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, Cục Thuế tỉnh đề nghị các chi nhánh ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng; thực hiện trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế của cơ quan Thuế; thực hiện phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế...

Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-nhấn mạnh: “Thu nợ, xử lý nợ thuế là một trong những chỉ tiêu trọng tâm từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2021. Trên tinh thần hạn chế tối đa phát sinh nợ thuế mới, quyết liệt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, cơ quan Thuế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Một điểm hết sức thuận lợi của năm 2021 là Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác thu ngân sách. Do đó, chúng tôi tin tưởng rằng công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần đóng góp nguồn thu cho ngân sách, hoàn thành tốt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế do Tổng cục Thuế giao”.

 

 SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.