Lỗ nặng 5.706 tỉ đồng, Kiểm toán đề nghị Bộ Công an điều tra đạm Ninh Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra các vi phạm của dự án đạm Ninh Bình vì những vấn đề nghiêm trọng của dự án này.
 
Dự án đạm Ninh Bình đến nay vẫn chưa thấy lối ra. ẢNH CHÍ HIẾU
Tổng nợ phải trả của dự án là hơn 13.000 tỉ đồng
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ cũng vừa được gửi tới Quốc hội, dự án đạm Ninh Bình có vốn điều lệ là 2.500 tỉ đồng và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới góp thực tế vào công ty 2.314 tỉ đồng (186 tỉ đồng dự kiến để thanh toán cho các nhà thầu).
Dự án khởi công tháng 5.2008, đến tháng 9.2012 được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương mại, đến tháng 11.2013, vận hành đạt trên 90% công suất, cơ bản đạt các thông số kỹ thuật theo yêu cầu (đạt 41/46 thông số).
Tháng 7.2016, nhà máy dừng sản xuất do không đủ vốn lưu động và thua lỗ kéo dài. Đến hết năm 2019, Công ty đạm Ninh Nình có vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỉ đồng (tổng tài sản là 9.837 tỉ đồng, nhưng tổng nợ phải trả là 13.184 tỉ đồng), lỗ lũy kế là 5.706 tỉ đồng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn, chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán được dự án.
Hồi tháng 3.2019, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường than rằng, nếu các khó khăn tại Nhà máy đạm Ninh Bình không được giải quyết thì nguy cơ dự án sẽ "kéo sập cả tập đoàn", vì tổng số tiền tập đoàn rót vào đây đã lên tới 6.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của Vinachem cũng chỉ 13.000 tỉ đồng.
Sau kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Vinachem tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới tồn tại, hạn chế và sai sót của dự án.
Vinachem vẫn quyết định đầu tư dù có nhiều cảnh báo của các bộ về tính hiệu quả
Cụ thể, Vinachem bị yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư dự án khi có nhiều ý kiến cảnh báo, khuyến cáo của các bộ, ngành về tính hiệu quả, các rủi ro đối với dự án. Dự án sau khi đưa vào vận hành liên tục thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ.
Vinachem cũng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi khi đơn vị tư vấn chưa chỉnh sửa một số vấn đề tồn tại, chưa có báo cáo thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo thẩm định công nghệ, chưa có quy hoạch ngành; chưa tuân thủ theo đầu bài của Bộ Công nghiệp, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không đúng chỉ đạo của Thủ tướng; không lấy đầy đủ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành chuyên môn về các nội dung thay đổi, cần thẩm định lại trước khi phê duyệt điều chỉnh dự án.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh còn sai sót, thiếu căn cứ tính toán; hồ sơ kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi không đầy đủ thông tin, tài liệu theo quy định. Thẩm định và phê duyệt phương án tài chính kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án còn một số tồn tại, hạn chế trong việc tính toàn, xác định một số chỉ tiêu chủ yếu (giá than, sản lượng sản xuất và tiêu thụ, độ nhạy của dự án đối với yếu tố sản lượng).
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu của gói thầu EPC còn sai sót về xác định số lượng thiết bị; không quy định cụ thể về năng lực nhà thầu; công tác đàm phán, thương thảo hợp đồng EPC kém hiệu lực, hiệu quả, không rõ ràng để nhà thầu đưa vào hợp đồng một số nội dung bất lợi, tiềm ẩn rủi ro.
Dự án thay đổi thiết kế từ 2 dây chuyền nghiền sấy than lên 3 dây chuyền không đúng quy định của hợp đồng EPC làm phát sinh chi phí; cử cán bộ đi đào tạo chưa đúng đối tượng, chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của cán bộ sau khi đã được đào tạo phải tiếp tục làm việc tại nhà máy làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo.
Cho phép nhà thầu EPC tiến hành chạy thử 72 giờ khi chưa đủ điều kiện; đồng ý nghiệm thu chạy thử 72 giờ khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Hợp đồng EPC.
Vinachem cũng đã trình chủ trương, đồng ý chủ trương cho phép Ban QLDA nhận bàn giao quyền điều hành nhà máy từ nhà thầu EPC khi chưa đủ điều kiện bàn giao và không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC.
Công tác đàm phán, thu xếp vốn tín dụng Trung Quốc cho Dự án không hiệu quả, nhà thầu EPC không có khả năng thu xếp đủ vốn tín dụng theo điều kiện tiên quyết ban đầu, không đạt được mục tiêu thu xếp vốn tín dụng ưu đãi Trung Quốc tối thiểu 90% giá trị hợp đồng EPC.
Vinachem đã phê duyệt mức lương chuyên gia trong nước cao hơn so với quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC; phê duyệt giá gói thầu số 6A và 6B, gói thầu số 8B không có căn cứ; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn (gói thầu PMC 6B) có 70% cổ phần góp vốn của nhà thầu EPC để thực hiện nhiệm vụ giám sát gói thầu EPC không đúng quy dịnh.
Cấp than chạy thử vượt 251.469 tấn, gây rủi ro thiệt hại khoảng 661,319 tỉ đồng
Việc lựa chọn nhà thầu cũng được Vinachem thực hiện khi không đủ điều kiện tiên quyết được quy định trong hồ sơ mời thầu gói PMC 6A, 6B; thay đổi bảng dữ liệu đấu thầu của hồ sơ mời thầu gói PMC 6A, PMC 6B khi đã mở thầu sai quy định; phê duyệt một số chi phí không thật sự cần thiết, chưa đảm bảo tiết kiệm (cử 24 đoàn đi công tác nước ngoài, mua ô tô 47 chỗ cho Ban QLDA Nhà máy đạm Ninh Bình).
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị xem xét trách nhiệm đối với việc sử dụng vốn tự có để thanh toán tạm ứng và thanh toán khối lượng cho gói thầu EPC sai mục đích; việc sử dụng vốn tự có sai quy định và việc thiếu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc quản lý sử dụng vốn tự có, dẫn đến Ban QLDA sử dụng vốn cấp cho dự án để thực hiện ủy thác vốn cho Công ty tài chính cổ phần Hóa chất không đúng thẩm quyền, không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, lãi suất ủy thác thấp nhưng không kịp thời được phát hiện để có biện pháp ngăn chặn.
Vinachem cũng bị đề nghị xem xét trách nhiệm trong việc mua, cấp than chạy thử 371.469 tấn, vượt quy định tại hợp đồng EPC 251.469 tấn, gây rủi ro hiện hữu thiệt hại khoảng 661,319 tỉ đồng; số lượng than xuất không có hóa đơn chứng từ 127.368 tấn; việc mua than không có nguồn gốc tiêu chuẩn quy định tại dự án; không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng đàm phán hợp đồng EPC để đấu thầu.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Ban QLDA Nhà máy đạm Ninh Bình tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới tồn tại, hạn chế và sai sót chủ yếu trong quá trình thực hiện Dự án và xử lý theo quy định.
Vũ Hân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.